TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Đôi nét về Thiên Hưng Tự và Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong

1. Đôi nét về Thiên Hưng Tự       

            Thiên Hưng Tự được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; hướng chính điện nhìn ra cánh đồng lúa, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định.

Cổng vào tuyệt đẹp của Thiên Hưng Tự qua 2 góc nhìn
Cổng vào tuyệt đẹp của Thiên Hưng Tự qua 2 góc nhìn2

Cổng vào tuyệt đẹp của Thiên Hưng Tự qua 2 góc nhìn

            Trụ trì chùa Thiên Hưng là một nhà sư trẻ, được biết đến là vị chân tu, có nhiều đóng góp cho phật pháp, nổi tiếng am tường phong thủy, rất tích cực trong công việc hoằng pháp và trong công tác từ thiện.

Toàn cảnh Thiên Hưng Tự4
Toàn cảnh Thiên Hưng Tự5
Toàn cảnh Thiên Hưng Tự
Toàn cảnh Thiên Hưng Tự3

Toàn cảnh Thiên Hưng Tự

            Không cổ kính, không nằm ở vị trí có "hình sông thế núi" tuyệt vời nhất nhưng chùa Thiên Hưng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến Bình Định vì là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định cho biết, do có những công trạng, đóng góp thiết thực với đất nước Myanmar, Giáo hội Phật giáo Myanmar đã tặng cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Vào tháng 7/2013 Chủ tịch BIDV đã quyết định tặng Xá Lợi Phật cho tỉnh Bình Định và đã long trọng tổ chức lễ cung nghinh đưa về chùa Thiên Hưng cất giữ.

Xá Lợi Phật được cất giữ tại Chùa Thiên Hưng

Xá Lợi Phật được cất giữ tại Chùa Thiên Hưng

            Đối với người theo Phật khi được chiêm bái Xá Lợi cũng như được chiêm bái Đức Phật Tổ, Ngọc Xá Lợi chứa đựng năng lực mầu nhiệm, mang mọi sự bình an, giải trừ nghiệp ác, cảm hóa con người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Ngọc Xá lợi.

2. Trải lòng về cơ duyên đến với Phật của Trụ trì Chùa Thiên Hưng

            Một buổi chiều cuối tháng 11/2015, sau khi dẫn đoàn phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đến viếng thăm và ghi hình tại chùa Thiên Hưng, các thành viên trong Đoàn đã được diện kiến Sư Trụ trì. Thầy đã tiếp Đoàn rất chu đáo, luôn xưng mình là "trò" - thể hiện sự khiêm tốn của mình với mọi người trong suốt buổi trò chuyện, không những thế thầy đã tận tình chỉ dạy, giảng giải phật pháp và có đôi lời về cơ duyên đến với Phật.

Thầy Trụ trì đang giảng giải phật pháp cho các phật tử

Thầy Trụ trì  đang giảng giải phật pháp cho các phật tử

          Thầy kể: con đường đến với nhà Phật của Thầy cũng rất tình cờ, hồi nhỏ theo cha mẹ lên chùa, thấy ở chùa có nhiều hoa quả, vì “thích ăn bánh ăn trái” nên quyết định ở lại tu. Sư phụ của Thầy, sư ông Huyền Không, người sáng lập ra tu viện Nguyên Thiều năm nay đã gần 110 tuổi, là sư phụ của rất nhiều bậc đại hòa thượng trên cả nước. Hai thầy trò tu theo phái Mật Tông Kim Cang Thừa và Thầy cũng là học trò đời cuối của sư ông Huyền Không.

            Hiện nay, Thầy đang ấp ủ 2 dự án lớn về phật pháp, đó là xây dựng một Thiền viện Phật giáo ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định diện tích 64ha, và một ngôi chùa ở núi Da Dê, xã Văn Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tâm niệm của Thầy là muốn thổi một làn gió mới vào Phật giáo, và làm sao để việc xây dựng của mình "có tính thời đại, có cái gì đó để lại cho đời sau".

3. Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong

            Toạ lạc trên địa thế rất đẹp và độc đáo, tựa sơn, vọng hải, có suối chảy qua, lại đón gió biển Đông thổi vào, Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong rộng 64 ha, nằm tại sườn phía Nam của núi Bà, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, Phù Cát; phía Đông Nam giáp: tỉnh lộ ĐT 639; phía Tây Nam giáp khu vực chùa Linh Phong và suối; phía Tây Bắc giáp đỉnh 148 núi Bà; phía Đông Bắc giáp khu di tích cách mạng núi Bà.

            Với tổng giá trị đầu tư 500 tỉ đồng, qui mô của dự án bao gồm đầu tư xây dựng các khu chức năng chính như: khu tượng Phật; khu công viên trên núi; khu công viên Thạch Lâm; khu nghỉ dưỡng kết nối, phát huy giá trị khu di tích chùa Linh Phong hiện hữu.

            Trong đó, công trình điểm nhấn của dự án là khu tượng Phật trên diện tích hơn 5 ha, tượng Đức Thế Tôn Thích Ca Mầu Ni Phật cao 54m - 2 tầng, đế cao 15 m, toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép, phần bề mặt thực hiện mô phỏng vân đá xanh. Đặc biệt, phần mỹ thuật của Đại tượng Phật được sáng tạo trên cơ sở sự kết hợp tinh tế giữa nguyên mẫu Phật Thích Ca Mâu Ni tôn kính và những nét sắc thái của văn hoá dân tộc Việt Nam, tạo nên vẻ uy nghi nhưng vô cùng gần gũi của đức ngài đối với chúng sinh đất Việt. Đây sẽ là pho tượng Phật cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Tượng Đức Phật ngự ở lưng chừng núi, trên độ cao hơn 120 m so với mực nước biển, trong tư thế mắt nhìn ra biển theo hướng Đông Nam, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất trong quần thể 66 ngọn núi ở khu di tích Núi Bà.

Cổng vào Quảng trường Pháp luân hướng lên tượng Phật

  Cổng vào Quảng trường Pháp luân hướng lên tượng Phật              

Toàn cảnh KDL tâm linh Linh Phong

     Toàn cảnh  KDL tâm linh Linh Phong

                Dưới chân tượng Phật là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán - nơi để phật tử và du khách đến hành lễ, chiêm ngưỡng…Ngoài ra, hạng mục này còn có các công trình phụ trợ bao gồm: đường lên; cổng tam quan; hồ nước nhân tạo; quảng trường Pháp luân, tứ trụ và đường hành lễ; khu tượng đài; khu cây xanh cảnh quan dọc trục đường hành lễ…

            Với tổng diện tích hơn 30.000 m2, khu vực Quảng trường Pháp Luân gồm các hạng mục như: cổng tam quan, cổng phụ, quảng trường, khu hành chính, khu dịch vụ bưu điện được thiết kế phỏng theo các triết lý của Phật Pháp tạo cho du khách, phật tử cảm giác bình an, thanh thản và tôn kính khi đặt chân vào đất Phật; được thiết kế làm nơi thực hiện các đại lễ, tiểu lễ trong năm của Giáo hội Phật Giáo.

Khung cảnh tuyệt đẹp tại Đồi Tịnh Tâm

            Đường hành lễ được bắt đầu từ Tứ trụ Diệu Đế được tạc bằng đá khối (Tứ Diệu đế tượng trưng cho chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo). Với chiều dài hơn 300m, độ dốc nhẹ (30 độ), đường hành lễ được thiết kế là các bậc thang bằng đá phiến, hai bên trồng cây xanh, nối Quảng trường Pháp Luân lên đến hành lang La hán dưới chân đại tượng Phật. Đây sẽ là con đường để phật tử, du khách tản bộ lên chiêm bái tượng Phật, nghe thuyết pháp Phật giáo đồng thời cũng là một con đường thuận lợi để thăm Linh Phong Cổ Tự, Hang Tổ.

 

Hồ nước nhân tạo được hình thành và đổi sắc từng ngày

    Hồ nước nhân tạo được hình thành và đổi sắc từng ngày           

Cầu gỗ bắc qua suối dưới chân thác nước

        Cầu gỗ bắc qua suối dưới chân thác nước

            Dự án được thi công trong vòng 5 năm, xây dựng hoàn chỉnh xong khu vực nào sẽ đưa vào sử dụng khu vực đó. Hiện nay, khu vực Đồi Tịnh Tâm đã hoàn thành, được lát đá, trồng cỏ, hệ thống cây xanh, hồ nước phong thủy, miếu thờ thổ thần...với một không gian rất đẹp, thơ mộng và hài hòa.

            Với tầm vóc và quy mô như thế, cộng với lối kiến trúc, tạo hình Phật giáo trang nghiêm, hiền hoà, tĩnh tại mang đậm tinh thần và hồn dân tộc Việt, Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong sẽ thể hiện được tâm nguyện, sức mạnh và trí tuệ của thế kỷ 21, đồng thời sẽ bồi đắp thêm bản sắc và bản lĩnh văn hoá của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Tin rằng Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong sau khi hoàn thành sẽ là một “điểm nhấn” quan trọng về du lịch biển, văn hóa, lịch sử và tâm linh, thu hút nhiều du khách đến tham quan, học tập nghiên cứu Phật pháp, góp phần phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bình Định.       

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây