Tiểu chủng viện “Làng Sông” – Công trình kiến trúc cổ
- Thứ bảy - 20/05/2017 20:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ai đã về Bình Định chắc hẳn đã quá quen thuộc với những dấu ấn còn lại của triều đại Tây Sơn, những tháp Chàm cổ kính hay những bãi biển đẹp hoang sơ. Nhắc đến Tiểu chủng viện Làng Sông chắc có lẽ là một địa danh khá lạ lẫm đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ là một trong những trung tâm truyền giáo đầu tiên của miền Trung mà cũng là nơi góp công rất lớn cho việc quảng bá chữ Quốc Ngữ thuở ban đầu. Tiểu chủng viện Làng Sông hứa hẹn sẽ là điểm du lịch đầy thú vị cho những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về một công trình kiến trúc cổ.
Cổng vào Tiểu chủng viện Làng Sông
Tiểu chủng viện Làng Sông tọa lạc ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là tu viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic, trầm mặc, cổ kính nằm êm đềm dưới tàng cây sao xanh gần cửa Phú Hoà đổ ra đầm Thị Nại. Tiểu chủng viện Làng Sông hay còn được người dân địa phương gọi là “Nhà thờ Lòng Sông”. Theo những người già kể lại, trước kia nhà thờ Lòng Sông có tên gọi là nhà thờ Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước, nhưng rồi tấm biển đề ở cổng nhà thờ qua thời gian, bị phai mờ nên khi sửa lại theo phát âm của người địa phương, chữ “làng” được chuyển thành “lòng” và tên gọi đó được giữ lại cho đến bây giờ.
Theo con đường giao thương đường thủy của các nhà buôn bắt đầu từ đầm Thị Nại, rồi ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã đặt chân tới Quy Nhơn và xây dựng nên nhà thờ Lòng Sông. Đây cũng là một di tích còn sót lại của các giáo sĩ truyền giáo thuở xưa. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa biết được chính xác năm nhà thờ Làng Sông được xây dựng. Theo một số thông tin thì vào năm 1964, tiểu chủng viện Làng Sông đã tổ chức lễ kỷ niệm (bách chu niên) 100 năm thành lập. Nhưng có lẽ nhà thờ Làng Sông đã được xây dựng trước đó khá lâu. Từ năm 1983 nhà thờ Làng Sông đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại người trông coi, chăm sóc vườn tược do đó, dù đã nhiều năm không hoạt động nhưng nơi đây vẫn không bị rơi vào quên lãng. Các công trình kiến trúc không lộ vẻ hoang phế mà trái lại vẫn lộng lẫy, tinh tươm như chỉ vừa mới xây dựng.
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc Ngữ tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông
Nhà thờ Làng Sông nằm giữa một gò cao, bao quanh là hào nước mát rượi với những hàng cây sao xanh cổ thụ. Nhìn từ xa, nhà thờ Làng Sông nằm nổi bật trên màu xanh biếc của mặt nước và những hàng cây. Nơi đây, được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện nhà thờ hiện lên uy nghiêm pha chút gì đó cổ kính, lãng mạn. Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí, và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường. Đã qua nhiều thế kỷ, trải qua sự tàn phá của thời gian và khí hậu nhưng nhà thờ Làng Sông vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa với từng bậc cầu thang gỗ, từng khung cửa chạm khắc tỉ mỉ ở mặt tiền và thánh đường tạo ấn tượng mạnh với du khách ngay khi bước vào nhà thờ. Phần thánh đường Làng Sông là kiến trúc xây dựng xưa nhất so với các kiến trúc còn lại trong khu vực nhà thờ, sau đó nhà thờ Làng Sông được chuyển thành Chủng viện Làng Sông và xây dựng thêm các kiến trúc kế cận để phục vụ cho việc giảng dạy tu sĩ. Cho đến nay, thánh đường này cũng đã tồn tại hơn 168 năm.
Nằm đối xứng với thánh đường, là hai toà nhà xưa kia dành cho các tu sinh, được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ở ban công. Màu xám của tổng thể và màu trắng của một số nét chi tiết ở mặt chính diện thánh đường Làng Sông kết hợp cùng dãy nhà màu vàng hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hoà hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ và xanh tươi của hoa cỏ.
Bên trong Tiểu chủng viện Làng Sông
Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của giáo phận Đông Đàng Trong, đặc biệt có một nhà in do Đức Cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Nhà in này bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn. Riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng bán nguyệt san Lời Thăm được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ (cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong). Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Qui Nhơn.
Du khách có dịp về Bình Định nên một lần ghé thăm khu nhà thờ Làng Sông để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ. Với không gian xanh mát của cây cỏ hòa cùng nét cổ kính của một kiến trúc xưa cũ sẽ khiến cho du khách ngỡ rằng mình đang ở nơi nào đó tại châu Âu hàng trăm năm trước, được thoả sức mình tận hưởng những vẻ đẹp được lưu giữ của một kiến trúc cổ xưa, tìm vài phút giây thư thái trong không gian tĩnh lặng dưới hàng sao xanh cổ thụ, chắc hẳn cũng là một chuyến đi đầy ý nghĩa./.