Về đất kinh đô xưa!
- Thứ tư - 14/11/2018 08:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi có dịp trở lại An Nhơn thăm Thành Hoàng Đế vào một chiều cuối thu nắng nhẹ, không khí xung quanh trầm mặc, thoáng buồn, bỗng có cảm giác như quá khứ cách đây hàng trăm năm đang hiện về trong tầm mắt, nghe được tiếng rì rầm của lịch sử, bao bể dâu đời người và biết bao cuộc binh biến máu lửa…. Khi nhắc đến đất kinh đô, chúng ta vẫn thường nghĩ ngay đến Huế, Hoa Lư, Thăng Long nhưng Bình Định cũng là một cố đô, từng là kinh đô của hai triều đại trong giai đoạn lịch sử cách nhau hơn 300 năm: Chiêm Thành và nhà Tây Sơn.
Thành Hoàng Đế là di sản kiến trúc quân sự có địa thế đặc biệt. Trong lịch sử, nơi đây từng là kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chămpa. Sau khi người Chiêm Thành bị đẩy lùi về phương Nam trong quá trình mở cõi của người Việt, tại đây các Chúa Nguyễn tiếp tục sử dụng thành Đồ Bàn trong thời gian dài (thế kỷ 17-18) để làm trung tâm hành chính cùng với tên gọi Thành phủ Quy Nhơn. Đến năm 1778, sau khi đánh chiếm được thành, Nguyễn Nhạc đã lên ngôi và cho tôn tạo, xây dựng nên thành Hoàng Đế, trở thành vương triều đầu tiên của nhà Tây Sơn và cũng là vương triều thứ hai tồn tại trên vùng đất này.
Cổng chính Tử Cấm Thành - ảnh: Thu Trinh
Mặc dù với sự trả thù vô cùng khốc liệt của Nguyễn Ánh, mọi thành tựu của nhà Tây Sơn đều bị triệt tiêu, xóa bỏ, những công tình kiến trúc đều bị tháo dỡ, phá hoại nhưng không ai có thể phủ nhận được cái không khí linh thiêng trên vùng đất này. Trong Thành Hoàng Đế, các kiến trúc và hiện vật của các thời kỳ Chămpa. Tây sơn và Nhà Nguyễn đan xen lẫn nhau, tạo nên sự phong phú và đặc biệt của di tích. Hiện nay, Cấm thành còn lại một số di tích như cổng chính, cột cờ, chính điện, lầu bát giác, các bờ tường thành bằng đá ong cũ kỹ, một hồ hình bán nguyệt, các tượng thú từ thời Chămpa, cây sung cổ thụ khổng lồ phía sau chính điện, cổng lăng, song trung miếu, điện bát giác, hồ bán nguyệt, hậu cung và đặc biệt là hai ngôi mộ phía sau lầu Bát giác... là minh chứng cho thời kỳ lịch sử vừa hào hùng, oanh liệt lẫn bi thương.
Lầu Bát Giát - ảnh: Thu Trinh
Quá khứ đã khép lại, những di tích xưa giờ hầu như chỉ còn là phế tích, khung cảnh xung quanh yên bình, vắng lặng khiến cho bất kỳ ai đặt chân đến đây cũng không khỏi hoài niệm, luyến tiếc về một thời hoàng cung tráng lệ, rực rỡ đèn hoa, những làng nghề sản xuất ngày đêm, phố phường nhộn nhịp và tấp nập ngựa xe qua lại của đất kinh kỳ.