Về Bình Định trải nghiệm du lịch tâm linh
- Thứ tư - 26/12/2018 14:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về Bình Định, bên cạnh những bãi biển nổi tiếng thì còn vô số những điểm đến có cảnh đẹp hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua. Hôm nay chúng tôi sẽ đưa bạn trải nghiệm một chuyến du lịch theo kiểu sống chậm và tĩnh tâm.
Bình Định nổi tiếng là vùng đất có nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, phong cảnh thoáng đãng. Đến đây bạn có thể đi vãn cảnh, chiêm ngưỡng các kiến trúc tôn giáo hay đàm đạo cùng các nhà sư... Ngoài việc cân bằng lại đời sống tinh thần, du lịch theo kiểu như này còn giúp du khách có dịp mở rộng tầm nhìn về văn hóa của miền đất Võ.
Bắt đầu hành trình bạn có thể lựa chọn thuê ô tô du lịch hoặc tự trải nghiệm các thắng cảnh bằng dịch vụ thuê xe máy. Để nạp thêm nguồn năng lượng cho cả ngày dài, bạn nên ghé đến các quán cà phê dọc con đường biển Xuân Diệu, nhâm nhi tách cà phê thơm nồng và cùng thả hồn vào tiếng sóng vỗ rì rào của biển Quy Nhơn.
Sau khi khởi động ngày mới một cách nhẹ nhàng và thư thả, điểm đến đầu tiên là Chùa Long Khánh, nơi được xem là trung tâm Phật giáo lớn nhất của Bình Định. Với cảnh quan kiến trúc đẹp cùng danh tiếng có từ lâu đời, chùa Long Khánh đã trở thành một địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch trong các hành trình khám phá thành phố Quy Nhơn. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng một số cổ vật quý như: Chiếc khánh đồng dùng để khai hiệu lệnh, Thái Bình Hồng Chung và tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự. Quang cảnh trong chùa khá đẹp và thoáng đãng, bạn có thể dạo quanh hồ sen, thắp hương kính Phật hay ngồi tựa lưng vào các tán cây xanh để cảm nhận được sự bình yên, tĩnh lặng, tạm gác lại mọi nhiễu nhương của cuộc sống.
Quang cảnh chùa Long Khánh - Ảnh: Lê Chi
Tiếp tục đi theo hướng Quốc lộ 1A khoảng 25km, bạn sẽ bắt gặp chùa Thiên Hưng, đây là một trong những ngôi chùa đẹp và hoàn thiện nhất về kiến trúc, cảnh quan. Ấn tượng đầu tiên mà bạn có thể cảm nhận được khi đến với chùa Thiên Hưng chính là bức tranh đồng nội dung dị ở xung quanh chùa. Phía trước con đường dẫn lối vào cổng chùa ngợp màu lúa xanh đang mơn mởn, trong cơn gió nhẹ khẽ lay động hệt như sóng biển đang nhấp nhô. Nếu đến chùa vào dịp mùa gặt, bạn sẽ có cơ hội hít hà hương vị thơm lừng của lúa mới, ngắm cảnh lao động chăm chỉ của người nông dân trên cánh đồng để yêu thêm tình người chân chất.
Tuy không hoành tráng như nhiều nơi khác, không gian ở chùa Thiên Hưng cũng tương đối rộng, lại có nhiều công trình chính phụ đan xen để du khách có thể vãn cảnh suốt buổi mà vẫn thấy thích. Những chậu cây cảnh được chăm sóc một cách công phu và tỉ mỉ được đặt trên các kệ đá hai bên chùa chắc chắn sẽ quyến rũ những người thích nghệ thuật cây cảnh. Còn nếu đã đam mê sự tinh tế của kiến trúc Phật tự thì bạn nhớ dừng chân ở khu nhà cổ, tháp chuông và quần thể chùa từ chánh điện đến thư viện.
Hồ sen trong chùa Thiên Hưng - Ảnh: @82t92
Một trong những điểm nhấn ở chùa Thiên Hưng chính là những cây cầu được xây mái theo kiểu cung đình xưa, bên dưới là ao sen tỏa hương thơm ngát. Bạn sẽ có cơ hội đắm mình vào cánh đồng sen thu nhỏ tại đây và đừng quên lưu lại cho mình những bức ảnh tuyệt đẹp nhé. Ngoài ra, trong chùa có một khu vườn Thiền mà đến đây du khách sẽ được gột rửa những phiền não trong tâm. Đặc biệt hơn, đến đây bạn sẽ có cơ hội chiêm bái viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.
Về xứ võ Bình Định, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đến vãn cảnh chùa Nhạn Sơn (hay còn được gọi là chùa Ông Đỏ Ông Đen). Đây là một di tích lịch sử ghi dấu sự giao thoa giữa văn hoá Chăm bản địa và văn hoá Việt. Chùa Ông Đỏ Ông Đen tọa lạc trong một không gian thanh bình với cảnh trí thơ mộng, nép dưới bóng vườn xoài cổ thụ, lưng dựa vào núi Long Cốt, trước chùa là một hồ sen lớn. Đến đây bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai bức tượng Ông Đỏ và Ông Đen được đặt giữa chính điện. Cả hai bức tượng được tạc bằng đá nguyên khối khối liền nhau, được tạo hình rất sống động. Hai pho tượng cổ này có từ thời người người Chăm còn ở thành Đồ Bàn (thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu ngày nay). Do chiến tranh, hai pho tượng đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng trăm năm, sau đó được người Việt phát hiện, đào lên và thờ dưới tên gọi Ông Đỏ, Ông Đen. Ngày nay, câu chuyện hai pho tượng ở chùa Nhạn Sơn được Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là câu chuyện chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho sự tiếp biến văn hóa Chăm - Việt.
Tượng Ông Đỏ và Ông Đen - Ảnh: Báo Dân Trí
Đến vãn cảnh chùa Nhạn Sơn, bạn không chỉ có dịp mở mang kiến thức về văn hóa mà còn như được tìm về chốn thiền môn, tận hưởng những phút giây thanh tĩnh trong tâm hồn, lắng trong lời kinh tiếng kệ và nghe kể về sự tích ông Đen, ông Đỏ sẽ là những trải nghiệm thú vị mà bạn không thể quên.
Trong hành trình tâm linh, bạn hãy đến với Chùa Thập Tháp, đây là ngôi chùa cổ nhất được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thuộc phái Lâm Tế, đã được hơn 300 năm tuổi. Nơi đây được du khách biết đến bởi kiến trúc cổ kính bề thế, cùng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, trong chùa lưu giữ Hòn Đá Chém. Tương truyền “Hòn Đá Chém hiện làm bậc cấp Phương trượng, do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và Tháp Cánh Tiên".
Ngoài ra, trong chùa hiện còn lưu trữ được nhiều tạng kinh khắc gỗ và in giấy, số tạng kinh gỗ có tới trên 1.500 bảng, kinh giấy có 389 bộ. Đến vãng cảnh chùa vào một dịp may, bạn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập các bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú...
Hòn đá chém tại Chùa Thập Tháp - Ảnh: Báo Bình Định
Điểm đến cuối cùng, cách chùa Thập Tháp khoảng 22km theo hướng quốc lộ 19B và tỉnh lộ DT640 chính là chùa Linh Phong (hay còn được gọi là chùa Ông Núi). Đây là một trong những ngôi chùa cổ và nổi tiếng nhất tại Bình Định. Để đến được cổng chùa Linh Phong, từ dưới chân núi, du khách đi bộ trên con đường đất pha cát mịn màng và thoáng đãng. Sau đó, các bạn phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá nằm trên các cung đường uốn lượn như rồng bay từ chân núi Bà lên, với độ cao hơn 100m. Từ đây, bạn có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, oai nghiêm, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh bán đảo Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại.
Không khí du xuân tại Lễ hội Chùa ông Núi - Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, khi đến chùa bạn sẽ có dịp viếng thăm hang Tổ - là một vách sâu do các hòn đá lớn chồng lên nhau tạo nên, nơi mà ngày xưa Lê Ban, tức thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì - người đã sáng lập ra chùa Ông Núi chọn làm nơi tu hành.
Mới đây, vào tháng 11-2017, trong khuôn viên chùa Ông Núi, tượng Phật Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á hiện nay (chiều cao 108 m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52 m) được khánh thành. Nơi đây đang dần trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Đến chùa ông Núi vào dịp 24, 25 tháng giêng bạn sẽ được hòa chung không khí du xuân, cầu nguyện rộn ràng của lễ hội chùa Ông Núi.
Ngoài những điểm đến du lịch tâm linh, Bình Định còn vô số những điểm đến hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua, bạn có thể tự do khám phá nét kiến trúc độc đáo của những ngôi tháp Chăm, tham quan bảo tàng Quang Trung để tìm hiểu về nơi sinh ra Tây Sơn Tam kiệt cũng như chiêm ngưỡng những hiện vật và cổ vật làm nên những trang lịch sử hào hùng của vùng Đất võ lừng danh… hay thỏa sức bơi lội trong làn nước biển trong xanh để cảm nhận được vẻ đẹp của biển Quy Nhơn, Eo Gió, Kỳ Co (Nhơn Lý), Hòn Khô (Nhơn Hải), đảo Cù Lao Xanh... Mời bạn hãy đến với Quy Nhơn - Bình Định và thưởng thức nhiều món ngon đặc sắc như là món quà thiên nhiên và tấm lòng của người Bình Định dành tặng cho du khách.