TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Bún tôm Châu Trúc - quà sáng dân dã đất Bình Định

Nhắc đến món bún dân dã đậm đà đặc biệt của vùng quê đầm phá Bình Định thì hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến món bún tôm Châu TrúcĐến Bình Định, du khách không chỉ thưởng thức những món ăn đặc sản như: nem, tré, bún chả cá, bánh xèo tôm nhảy… bên cạnh đó, Bình Định còn nổi tiếng với món bún tôm Châu Trúc vừa ngon vừa gây ấn tượng mạnh cho đông đảo thực khách phương xa bởi hương vị dân dã đậm đà đặc biệt của vùng quê đầm phá xứ Nẫu.
Đầm Châu Trúc (còn gọi là Đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Bình Định. Nhờ những hải sản tươi ngon đánh bắt từ đầm nước ngọt này mà người dân Phù Mỹ đã “khai sinh” nên món bún tôm nổi tiếng mà người ta vẫn thường gọi là bún tôm Châu Trúc và mang món ăn đặc trưng ấy đi làm quà sáng khắp nơi.
bún tôm
Bún tôm Châu Trúc. Ảnh: sưu tầm
Bún tôm Châu Trúc hấp dẫn thực khách ngay từ nguyên liệu chế biến là tôm tươi vừa được đánh từ đầm lên, con tôm còn sống nhảy lách tách và đặc biệt là bún tươi được chế biến ngay tại chỗ chứ không phải là loại được làm sẵn bán ở chợ hay mua ở những lò bún nổi tiếng.
Đầu tiên ta phải rửa tôm thật sạch, cắt bỏ đầu, đuôi, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với củ hành tươi và các gia vị như bột ngọt, tiêu, ớt…
buntom
Tôm vừa đánh bắt dưới đầm lên mang đi làm bún - Ảnh: Sơn Phạm
Khâu làm bún tươi thì phức tạp hơn, vì được làm bằng phương pháp thủ công nên trải qua nhiều công đoạn: gạo được ngâm nước cho mềm rồi đem xay thành bột nhão, sau đó cho vào một chiếc túi vải để ráo nước và đổ vào cối đá để giã nhuyễn thêm lần nữa, mỗi cối bột được giã thành là một mẻ bún. Người ta sử dụng ống nhôm, một đầu để trống, đầu kia bịt kín có đục các lỗ nhỏ để tạo thành sợi bún, thân ống được lắp vào bàn ép đặt cố định phía trên nồi nước sôi. Khi có khách vào, chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã xay sẵn chảy xuống nồi nước đang sôi sùng sục trên bếp lửa hồng. Sợi bún gặp nước sôi liền chuyển sang màu trong là chín tới, dùng rá tre vớt bún từ nồi luộc, xóc sơ qua trong nước nguội, sau đó để vào rổ cho ráo nước.
buntom (2)
Sợi bún gặp nước sôi chuyển sang màu trong vắt là chín tới. Ảnh: sưu tầm
Khi ăn, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm đã được giã nhuyễn cho vào bát, thêm chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều (chính cái thao tác này mà người ta thường gọi bún tôm là bún quậy), rồi cho bún tươi đã để ráo nước vào tô, rắc vào một chút tiêu, bột ngọt, thêm chút hành hương và vài con tôm nguyên được nấu chín. Thế là đã có ngay một tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm hấp dẫn. Để ăn món bún tôm tròn vị, không thể thiếu chiếc bánh tráng chín được nướng vàng ươm; chỉ cần bẻ nhỏ bánh, cho vào tô rồi nhâm nhi thưởng thức thì không còn gì ngon bằng.

Tác giả bài viết: Lê Trân- TTTTXTDL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây