Khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành
- Thứ bảy - 20/05/2017 16:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tối 18.5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn), Tỉnh ủy - HÐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 -19.5.2017) và khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành.
Lễ cắt băng khánh thành công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VĂN LƯU
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khánh thành. Ảnh: VĂN LƯU |
Tham dự buổi Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước, Phan Đình Trạc - Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành trong cả nước; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo đại biểu, quần chúng nhân dân.
Nằm trong chương trình hoạt động kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 -19.5.2017) và khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, Tỉnh ủy - HĐND- UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa ở Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), Bảo tàng Quang Trung vào chiều 18.5.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, phát biểu tại lễ khánh thành công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VĂN LƯU |
Tưởng nhớ, tri ân Bác Hồ và thân sinh của Người
Tại Lễ kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Bình Định vinh dự là một trong những địa phương của cả nước cùng với thủ đô Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh là nơi gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ. Bình Định còn là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và thân phụ của Người trước khi người vào Nam rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước!”.
Việc tổ chức Lễ kỷ niệm và khánh thành tượng đài là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân Bình Định nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu cùng thân sinh của Người.
“Tượng đài là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó hòa quyện giữa tình phụ tử và tình yêu quê hương, đất nước... Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị công trình trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đọc diễn văn ôn lại công lao to lớn của Bác đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và báo cáo quá trình xây dựng công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VĂN LƯU |
Chương trình nghệ thuật giàu cảm xúc
Sau phần lễ trang trọng, chương trình nghệ thuật chào mừng diễn ra đầy cảm xúc thành kính tưởng nhớ, tôn vinh Bác Hồ và vị thân sinh của Người. Phần mở đầu ca cảnh “Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành trên quê hương Bình Định” tạo “hiệu ứng cảm xúc” cho người xem qua những cảnh diễn sống động trên sân khấu kết hợp với hình ảnh minh họa trên màn hình led. Các nghệ sĩ tài danh đến từ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã thể hiện hình tượng Bác Hồ (NSND Ngọc Bình), chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành (NSƯT Tấn Lin), Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (NSND Xuân Hợi) và vợ là bà Hoàng Thị Loan (NSND Hồ Thu) trong ca cảnh.
Đông đảo khán giả đã được xem những hình ảnh khắc họa Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đem tấm lòng đức độ của mình bảo vệ công lý, bênh vực dân nghèo... để rồi xúc động chứng kiến cuộc chia tay lịch sử vào đầu thế kỷ XX của hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Cảm xúc thêm đong đầy, sâu lắng hơn khi chương trình nghệ thuật diễn ra tại sân khấu dưới chân tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, công trình mang ý nghĩa tưởng nhớ, tôn vinh cuộc chia tay lịch sử đã diễn ra cách đây hơn một thế kỷ.
Sau phần sử thi, khán giả đã được thưởng thức những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ làng Sen, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Bác Hồ một tình yêu bao la, Ðêm trăng nhớ Bác, Miền Trung nhớ Bác, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Sự kết hợp của những giọng ca ngọt ngào, giàu cảm xúc với phần múa minh họa được dàn dựng đẹp mắt, nhiều người tham gia biểu diễn đã tạo sự sinh động, lôi cuốn cho các tiết mục.
Theo HOÀI THU - Báo Bình Định