QUY HOẠCH TỈNH BÌNH ÐỊNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ÐẾN NĂM 2050
- Chủ nhật - 24/12/2023 09:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 23.12, tại TP Quy Nhơn diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền, nhân dân Bình Ðịnh và là tiền đề quan trọng để tỉnh hiện thực hóa tiềm năng, khát vọng trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định 1619/QĐ-TTg, ngày 14.12.2023. Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển KT-XH, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; gắn kết quy hoạch tỉnh thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý, “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển KT-XH, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Trung tâm kinh tế biển, trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế
Quy hoạch hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN lớn trong và ngoài nước.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước; trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy hoạch xác định xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. |
Trên cơ sở đó, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển và 3 khâu đột phá phát triển. Trong 5 trụ cột, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao, chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và AI… Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng và sản phẩm du lịch đặc thù. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng; nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho cả miền Trung - Tây Nguyên; phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và Quy Nhơn - Pleiku. Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Trong 5 trụ cột phát triển, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0. - Trong ảnh: Các tập đoàn, DN nước ngoài tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ |
Ba đột phá phát triển được xác định với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số tạo chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Ba khâu đột phá trong quy hoạch tỉnh, đáng chú ý là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng địa bàn này. - Trong ảnh: Đầu tư tuyến đường ven biển đi qua địa bàn các huyện, thị xã phía Bắc tỉnh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Trong quy hoạch, cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế. 2 vùng KT-XH gồm: Phân vùng Bắc (đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão); phân vùng Nam (7 đơn vị hành chính phía Nam là TP Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh).
Ba cực phát triển là TP Quy Nhơn và vùng phụ cận - động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh; TX Hoài Nhơn - cửa ngõ phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; đô thị Tây Sơn - cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh. 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế biển; hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tầm nhìn chiến lược, mở ra thế phát triển vượt tầm
Là người gắn bó với Bình Định, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển dài hạn của tỉnh. Đây là lần đầu tiên có bản quy hoạch tích hợp tất cả các ngành kinh tế, bao gồm KT-XH, văn hóa, an ninh - quốc phòng, tài nguyên, đặc biệt là đất đai, rừng, biển trong một quy hoạch chung.
Với quy hoạch tỉnh lần này, hướng đi của Bình Định được nhìn rõ hơn, trước mắt đến năm 2030 và tầm nhìn dài hơn đến năm 2050. Chúng ta cũng hình dung được trong mười, mười lăm và vài chục năm nữa, bức tranh KT-XH phát triển của Bình Định như thế nào, để từ đó có kế hoạch và chương trình cụ thể triển khai cho từng giai đoạn nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Bình Định đã đưa ra 5 trụ cột tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược, với tất cả những ý tưởng theo tinh thần “Nhà nước kiến tạo phát triển”, “tỉnh tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị và hạ tầng văn hóa - xã hội”. Đồng thời, hoàn thiện về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực theo tinh thần “đất lành chim đậu” và đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
“Bản quy hoạch lần này định hướng rõ hơn cho Bình Định trên con đường đi sắp tới. Chính vì vậy, việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của tỉnh”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở góc nhìn của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quy hoạch tỉnh Bình Định được xây dựng không đơn thuần chỉ là dựng nên chân dung phát triển tỉnh, kể cả theo nghĩa “động”. Bình Định hiểu sâu sắc rằng lối tư duy cũ, cách hành động như vẫn được triển khai, cho dù có thể mang lại những kết quả tích cực to lớn, vẫn không thể bảo đảm sự thành công chiến lược của tỉnh trong tương lai. Mặt khác, không chỉ có vai trò dẫn dắt, quy hoạch còn là một công cụ đặc biệt hiệu quả để hiệu triệu đầu tư, thu hút “đại bàng” đúng nghĩa, giúp Bình Định tạo đột phá phát triển trong nỗ lực đi sau - vượt trước. Và, không phải là tình cờ, không hề “khoa trương” khi mục tiêu xuyên suốt quy hoạch tỉnh là xây dựng Bình Định thành “điểm đến tầm cỡ thế giới - hàng đầu khu vực”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa phải) giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với đoàn công tác CHLB Đức đến Bình Định tìm hiểu môi trường đầu tư. Ảnh: TIẾN SỸ |
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điểm đặc sắc, sự khác biệt, cũng có thể nói là khác thường, của Bình Định thể hiện rõ nhất chính là ở cách lựa chọn ưu tiên. Dẫn chứng bằng điểm nhấn về cách tiếp cận mở - tạo thế hội nhập - liên kết phát triển thông qua việc lấy lợi ích tương lai bảo đảm “hài hòa lợi ích” để mở cơ hội, mời gọi đầu tư. Cách chọn các tọa độ đột phá như Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, sân bay Phù Cát vươn tầm quốc tế, phát triển vùng cảng Phù Mỹ thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ chuỗi năng lượng tái tạo (điện gió) - logistics, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku liên kết sức mạnh với Tây Nguyên, trong thế cộng hưởng sức mạnh với các tuyến cao tốc ven biển và thành phố cảng biển - du lịch Quy Nhơn… mở ra thế phát triển vượt tầm, trên nền tảng liên kết hiện đại. Hay như việc Bình Định chọn mục tiêu trở thành trung tâm AI quốc gia, tầm cỡ quốc tế - một sự lựa chọn thực sự khác thường của tỉnh, xét trên quan điểm tiềm năng, lợi thế truyền thống…
Nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất định hình cho sự phát triển của Bình Định trong tương lai, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương chuẩn bị những giải pháp cụ thể, thiết thực để cụ thể hóa quy hoạch thành nhiệm vụ của từng địa phương. Các địa phương cứ làm đúng như thế thì tỉnh Bình Định sẽ cất cánh! Yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương xác định thực hiện quy hoạch là ưu tiên hàng đầu để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trong quy hoạch tốt nhất.
Chủ động, linh hoạt quảng bá, xúc tiến đầu tư Theo ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT, tỉnh Bình Định đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều hình thức xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư những dự án then chốt vào 5 trụ cột chính. Riêng năm 2023, tỉnh đã thực hiện rất thành công nhiều chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Đặc biệt, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp xúc tiến đầu tư tại các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, CHLB Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Canada… Ngoài ra, Bình Định còn đón tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, DN đến từ nhiều nước trên thế giới. Qua đó, thiết lập quan hệ hợp tác; ký kết 11 thỏa thuận hợp tác; thu hút mới 82 dự án, tổng vốn đăng ký trên 16.390 tỷ đồng… Lũy kế đến nay, tỉnh thu hút được 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,18 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. |