TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Sự tỉnh giấc của một thiên đường du lịch

Được mệnh danh là vùng “Đất võ - Trời văn”, tài nguyên phát triển du lịch của Bình Định rất phong phú đa dạng, hứa hẹn một điểm đến mang lại nhiều cảm xúc, kỳ thú cho du khách.

Tính đến trước năm 2015, Du lịch Bình Định vẫn chỉ ở dạng tiềm năng đang chờ khai phá. Theo thời gian, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho việc đầu tư phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở Ban Ngành, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tục tham gia các sự kiện du lịch, các hội chợ du lịch lớn trong và ngoài nước. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm mời gọi các dự án đầu tư du lịch lớn. Với những nỗ lực không ngừng cùng những lợi thế có sẵn đó, thiên đường du lịch Bình Định đã thực sự “tỉnh giấc” sau nhiều năm “ngủ quên”.

            Nhìn một cách tổng quát thì hầu như lĩnh vực nào của Bình Định cũng có tiềm năng phát triển du lịch.

Về tài nguyên

            Về di tích lịch sử, Bình Định có hệ thống tháp Chăm được coi là nhiều nhất nước và rất đa dạng với 8 cụm 14 tháp còn tương đối nguyên vẹn như: Đôi, Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên…; Theo thư tịch cổ để lại thì người Chămpa còn xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định gồm: Thị Nại (Tuy Phước), Đồ Bàn (An Nhơn), Cha (An Nhơn), Uất Trì (Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác.

Tháp Dương Long Di tích cấp quốc gia đặc biệt

Tháp Dương Long - Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra còn có các bảo tàng như: Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng Tổng hợp, Đàn kính thiên; các đền thờ của một số danh tướng nổi tiếng thời Tây Sơn như: Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng…;

Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt Di tích cấp quốc gia đặc biệt

Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt - Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Về tâm linh, Bình Định có một số ngôi chùa cổ rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch như: Thập Tháp, Ông Núi (Linh Phong tự), Long Khánh, Nhạn Sơn, Thiên Hưng…;

Về nghệ thuật có danh nhân văn hóa Đào Tấn, thi sỹ Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu…;

Về danh lam thắng cảnh, Bình Định có vô số cảnh đẹp như: Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, Khu dã ngoại Trung Lương, Bãi Xép, Bãi Nhạn-núi Tam Tòa, Suối nước nóng Hội Vân, Khu du lịch FLC Nhơn Lý, các đảo hoang sơ như Cù Lao Xanh, Hòn Khô, Hòn Sẹo, Kỳ Co….;

Vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh Eo Gió
vẻ đẹp khó tả của Eo Gió

Vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh Eo Gió

Về làng nghề có 1 số làng nghề rất nổi tiếng: Làng rượu Bàu đá, Làng bún bánh An Thái, Làng bánh tráng Trường Cửu, làng nghề đúc đồng, tiện gỗ…;

Làng nghề truyền thống Rượu Bàu đá

Làng nghề truyền thống Rượu Bàu đá

Về võ cổ truyền có: võ đường Phan Thọ, Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ, Hồ Sừng, Phi Long Vịnh…;

Võ cổ truyền Bình Định

Võ cổ truyền Bình Định

            Có thể nói, Bình Định không thua kém bất cứ một địa phương nào về tiềm năng phát triển. Bình Định như một thiên đường du lịch chưa được đánh thức để phô diễn vẻ đẹp rất riêng của mình.

            Nếu như trước đây, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí hấp dẫn du khách. Hệ thống dịch vụ du lịch còn mỏng, số lượng khách sạn ít, phương tiện đi lại hạn chế, trong khi khoảng cách giữa các điểm du lịch lại quá xa. Một khó khăn nữa đó là đường hàng không, là cầu nối tối ưu nhất để đưa khách du lịch tới Bình Định, song 1 ngày chỉ có 2 chuyến bay đi – đến Bình Định từ Hà Nội và TP HCM. Giờ bay quá sớm hoặc quá muộn không thuận tiện và gây mệt mỏi cho du khách. Giá vé còn cao khiến giá tour du lịch đến Bình Định bị đội giá cao. Công tác quảng bá còn yếu, hình ảnh, các điểm đến của du lịch Bình Định chưa đến được với công chúng rộng rãi. Nhiều dịch vụ khác như: tham quan làng nghề, tắm biển – lặn ngắm san hô, tắm nước khoáng, nghỉ dưỡng…chưa hoàn thiện. Khách đến Quy Nhơn chủ yếu nghỉ qua đêm.

Thì hiện nay, Du khách đến Bình Định có thể ở lại 4 đến 5 ngày mà chưa đi hết các điểm tham quan tại đây. Các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, các điểm tham quan, hệ thống giao thông vận tải, chất lượng dịch vụ, phục vụ tại Bình Định hiện nay đã được nâng cấp và cải thiện đáng kể.

            Về giao thông vận tải, Bình Định đã nâng cấp xong Quốc lộ 1A, đang nâng cấp Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19, ga Diêu Trì và sân bay Phù Cát, đồng thời trình Chính phủ đưa sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế để việc đưa đón khách được thuận tiện nhất có thể. Về cơ sở hạ tầng, với hệ thống khách sạn từ 3 đến 4 sao như khách sạn Hải Âu, khách sạn Sài Gòn – Quy Nhơn, Resort Hoàng Gia, khách sạn Hoàng Yến…quy mô lớn, số lượng lớn phòng đạt chuẩn quốc tế đủ để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, hiện nay có  rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại địa phương như FLC, Vingroup, Tôn Hoa Sen... Trong đó, tập đoàn FLC đã xây dựng và khánh thành quần thể sân golf, resort và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp FLC Nhơn Lý vào cuối tháng 7/2016 với tổng diện tích 170 ha gồm sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng resort trên biển tiêu chuẩn 7 sao đầu tiên tại Việt Nam; khu biệt thự du lịch sinh thái cao cấp...Còn Vingroup cũng đang tích cực triển khai việc xây dựng Vinpearl Hải Giang có tổng diện tích hơn 600 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.500 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục công trình chính: khách sạn 5 sao 300 phòng cùng hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng; khu công viên cây xanh…

Về các điểm đến

Tháng 10 - 2015, tạp chí du lịch Rough Guides của Anh đã bình chọn Quy Nhơn là 1 trong 3 điểm du lịch mới lạ hàng đầu ở Đông Nam Á, dựa trên tiêu chí có nguồn hải sản phong phú, ngon và cảnh quan phố biển tuyệt vời. Phố biển này xứng đáng được vinh danh bởi có bãi biển ngay trong nội thành tuyệt đẹp với hình vầng trăng khuyết nguyên sơ mê hoặc du khách. Phía bên kia đường nằm đối diện dọc bãi biển, hàng loạt hàng quán ăn được chế biến từ hải sản tươi rói không quá đỗi cầu kỳ để giữ lại hương vị tự nhiên. Nhiều món ăn được du khách ấn tượng và cũng là đặc sản của địa phương như cua Huỳnh Đế, lẩu sứa nước lèo, bún chả cá Quy Nhơn...

Vẻ đẹp cổ kính của những ngọn tháp Chàm ở Bình Định cũng đem đến cho du khách một cảm nhận khác. Đầu năm ngoái, tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) là công trình kiến trúc cổ duy nhất ở Việt Nam lọt vào danh sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong đời” của một nhóm tác giả người Anh.

Ngày 31/12/2014 Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Bình Định. Ngoài ra Bình Định còn có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt nữa, đó là di tích tháp Chăm Dương Long.

Ngoài ra, một số điểm đến rất “hot” của Bình Định trong thời gian qua được du khách rất quan tâm như: Khu dã ngoại Trung Lương, Đảo Hòn Khô – Kỳ Co, đảo Cù Lao Xanh…

Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2016 mà ngành du lịch Bình Định đạt được. Theo đó, tổng lượng khách du lịch đến Bình Định đạt 2,654 triệu lượt người, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 210.000 lượt tăng 25%, khách nội địa ước đạt 2,445 triệu lượt tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015); Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tăng đáng kể, đạt 2,5ngày/khách; tổng doanh thu du lịch đạt gần 1.207 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là thông tin đáng khích lệ cho Ngành du lịch Bình Định trong nỗ lực phát triển thời gian qua. Bình Định đang trở thành điểm đến mới của nhiều du khách, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Bình Định trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch Bình Định đã “tỉnh giấc”, đó là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của kinh tế địa phương, cũng như đánh dấu kết quả của những chính sách, của sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành nhằm giúp ngành du lịch Bình Định phát triển trong một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách, định hướng, chiến lược phát triển du lịch đúng đắn hơn nữa để ngành du lịch Bình Định thu hút nhiều vốn đầu tư phát triển du lịch, phát huy hết tiềm năng sẵn có, thực sự trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và là thiên đường du lịch trong lòng du khách.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây