Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội XIX Ðảng bộ tỉnh: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
- Thứ bảy - 20/05/2017 09:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội XIX Ðảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016-2020; trong đó đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Du khách vui chơi trên bãi biển Kỳ Co (Nhơn Lý - TP Quy Nhơn). Ảnh: N.V |
Qua 5 năm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT - XH của địa phương. Lượng khách tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 21%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân đạt 30%/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú tăng 6,2%; nguồn nhân lực du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỉ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề ngày càng tăng.
Cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp, cải thiện. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, bước đầu tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa - du lịch có quy mô quốc gia góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định đến với du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công trình di tích, lịch sử văn hóa tiếp tục được trùng tu, nâng cấp và bước đầu phát huy giá trị. Những thành tựu đạt được của hoạt động du lịch 5 năm qua là kết quả bước đầu để du lịch tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 còn nhiều hạn chế: Hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu và thiếu. Một số dự án đầu tư đã cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc triển khai thực hiện chậm. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Hoạt động du lịch lữ hành thiếu tính chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao; các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, quà lưu niệm… phục vụ du khách còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, chưa đồng đều, tỉ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng của ngành du lịch còn thấp; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhất là đối với hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân và quản lý doanh nghiệp.
Du khách tham quan quần thể du lịch FLC Quy Nhơn bằng xe điện. Ảnh: N.V |
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, trong đó lấy du lịch biển, sinh thái làm mũi nhọn; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng và kháng chiến làm nền tảng; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng du lịch như các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng du lịch chất lượng cao. Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, có tính hấp dẫn cao để thu hút khách tham quan du lịch.
Cụ thể, về khách du lịch, phấn đấu đến năm 2020 đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó 800 ngàn lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân hàng năm đạt 14,5%/năm. Doanh thu du lịch dự kiến đạt khoảng 10.000 tỉ đồng, tăng bình quân 63,4%/năm. Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 260 cơ sở, với số lượng buồng là 7.200 phòng (tăng 4.300 phòng so với hiện nay). Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 2,4 ngày, trong đó khách quốc tế đạt 2,3 ngày; khách nội địa đạt 2,5 ngày.
Giải pháp hàng đầu được đặt ra là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành du lịch. Theo đó, tổ chức phổ biến, triển khai quán triệt sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò vị trí của du lịch đối với phát triển KT - XH của tỉnh. Qua đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đầu tư phát triển du lịch; xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Những giải pháp tiếp theo là tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch như sản phẩm du lịch sinh thái biển, núi, đảo, hồ, đầm; sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tạo dựng môi trường thân thiện. Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
NGỌC MINH (Theo Báo Bình Định)