TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Mục tiêu 45 tỷ USD từ ngành công nghiệp không khói

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 có chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ VH-TT-DL, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)… tổ chức nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (ViEF) đã khai mạc ngày 9.12 tại Hà Nội.
Với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, chuyên gia du lịch uy tín trong nước và quốc tế cùng các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này, diễn đàn đã tiếp nhận nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai.
ac2
Du lịch Việt Nam cần nhiều nỗ lực để cất cánh
Thách thức du lịch bền vững, năng lực cạnh tranh
Theo ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019, các chỉ số tăng trưởng nhiều nhất là 15 bậc, sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm, hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Dự kiến, năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Cùng với số liệu khả quan, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho rằng hạ tầng du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách du lịch. Đến nay, cả nước có 166 khách sạn 5 sao, 291 khách sạn 4 sao, các thương hiệu quốc tế lớn trên thế giới đều hoạt động tại Việt Nam. Nhiều dự án quy mô lớn đầu tư khởi công và hoàn thiện đã đưa vào hoạt động tại các địa phương cũng góp phần thay đổi hình ảnh, nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành du lịch hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế... Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, chúng ta cần gia tăng mạnh về chất lượng.
Theo ông Trần Trọng Kiên - thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), ngành du lịch Việt Nam đang thay đổi liên tục. Nếu như trước đây, hầu hết khách đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Vì thế việc tiếp cận và thay đổi phương pháp thu hút khách cũng cần phải có nhiều bước chuyển cho phù hợp. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lên tiếng việc cần Chính phủ ủng hộ chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ thông tin để quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh số hóa.
Đưa du khách trở lại…
Theo  Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức 2 con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (từ 10%-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình khoảng 900 USD cho một chuyến du lịch dài 9 ngày. Một nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng... Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, cùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh về số lượng, ngành du lịch cũng cần tìm giải pháp để tăng cường trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến.
Cùng chung mong muốn tìm ra nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, trong 4 phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 các chuyên gia đã nhận định “hiến kế”, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề đang còn khó khăn, “nút thắt” của ngành du lịch Việt Nam.
Cụ thể như “Tổ chức lại hoạt động quảng bá, truyền cảm hứng cho du khách” theo hướng tích cực, tận dụng sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, tìm cách phối hợp giữa các bên trong quảng bá và truyền cảm hứng cho khách quốc tế đến Việt Nam. Các đại biểu cũng bàn về những hạn chế, bất cập còn tồn tại, làm xấu đi hình ảnh điểm đến như tình trạng “chặt chém” khách du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...
Qua đó, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý nhanh chóng, kịp thời phản ánh của khách du lịch. Câu chuyện về tăng cường sản phẩm du lịch, cải thiện hạ tầng, đảm bảo môi trường du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin, “gỡ bỏ” nút thắt về hàng không và năng lực hàng không trong nước; giải pháp nâng cao năng lực hàng không Việt Nam; giải pháp tăng cường hợp tác công - tư để phát triển hàng không và chắp cánh cho du lịch… cũng được đưa ra thảo luận.
 

Nguồn tin: MAI AN (SGGP)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây