TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Ẩm thực nơi miền đất võ

Bình Định được biết đến như một vùng đất thiêng liêng, nơi có sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển tạo ra sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn ngọt, lợ tạo cho Bình Định hệ sinh thái đa dạng với những sản vật vùng miền vô cùng phong phú với nhiều đặc sản ngon, bổ dưỡng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với Bình Định. Trong số đó, có thể kể đến những món ăn nổi tiếng như: nem Chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang, bún chả cá Quy Nhơn, rượu Bàu Đá, bánh Ít lá gai …
nem Cho Huyen
Nem Chợ Huyện – Ảnh: TTTTXTDL
Ẩm thực ở Bình Định mang tính chất đặc trưng của “miền đất Võ” thể hiện qua hương vị riêng biệt với những món ăn cay, mặn và ít dầu mỡ. Tiêu biểu trong các món ăn nổi tiếng ở Bình Định trước tiên có thể kể đến món nem Chợ Huyện. Không quá chua như nem Thanh Hoá cũng không quá ngọt như nem Ninh Hoà - Khánh Hòa, nem Chợ Huyện có vị rất lạ khác. Đặc biệt, khi cắn vào ban đầu bạn sẽ có cảm giác giòn giòn, sật sật và khi nhai sẽ có vị chua dịu, béo béo cộng thêm cái mùi của tỏi, tiêu cay xộc lên mũi. Khi thưởng thức xong, dư vị đọng lại trên đầu lưỡi thơm thơm chua chua cùng tiếng hít hà, cay xè nơi cánh mũi luôn gây ấn tượng với bất kì ai lần đầu thưởng thức món này. Nguyên liệu chủ yếu làm nên chiếc nem Chợ Huyện bao gồm thịt (phải là thịt nạc heo cỏ) xay nhuyễn, bì lợn cạo sạch, luộc chín bỏ vào máy cán thành sợi ngắn; thính là gạo tẻ rang vàng xay nhỏ. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt vừa đủ... Tuy nhiên, để có chiếc nem ngon cách chế biến mới là khâu quan trọng. Khâu pha chế, gói nem, lạt buộc cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để nem đạt độ chín, khi mở lá ra ruột nem có màu hồng bóng, nem được ăn với rau thơm, có thể cuốn với bánh tráng. Nem khi ăn được chấm với nước tương hoặc nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Nem chợ Huyện có đủ vị mặn, ngọt, chua và rất thơm ngon nên dù ăn nhiều cũng không biết chán. Thực khách khi thưởng thức những mẫu nem cùng nhâm nhi với ngụm rượu Bầu Đá thì không gì tuyệt bằng.
Banh xeo tom nhay My cang
Bánh Xèo tôm nhảy – Ảnh: TTTTXTDL
Thế nhưng có người lại bảo rằng: “Về Bình Định mà không ăn bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang là coi như chưa về”. Tại sao bánh xèo Mỹ Cang để lại dấu ấn trong lòng người Bình Định như vậy? Dẫu biết là mỗi nơi, mỗi vùng miền có cách chế biến riêng: bánh xèo miền Trung, bánh xèo miền Nam, bánh xèo miền Tây. Thậm chí, trong miền Trung thì bánh xèo Hội An khác bánh xèo Phan Rang càng khác bánh xèo Bình Định. Riêng bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang thì điều làm nên hương vị khác biệt với những địa phương khác chính là “nhưn” tôm đất tươi xanh, nhảy lách tách. Tôm dùng làm nhân phải là tôm đất Gò Bồi còn sống, không được quá nhỏ hay quá lớn sẽ đảm bảo cho món bánh xèo hương vị ngất ngây. Bột gạo để làm bánh phải được xay thủ công bằng cối đá truyền thống từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông, sau đó trộn thêm ít hành lá xắt nhuyễn để tăng thêm hương thơm cho chiếc bánh. Nước chấm phải được pha chế từ ớt tỏi cùng loại nước mắm nguyên chất. Bánh khi ăn được cuốn với bánh tráng gạo nguyên chất, rau sống, một ít xoài và dưa leo xắt mỏng và chén nước mắm vàng ươm ngọt ngào hương vị miền biển. Cái ngọt của tôm tươi, cái giòn giòn của gạo đủ lửa và một chút chua, chát của xoài và chuối chát, quyện tất cả lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Chỉ từng ấy món ăn thôi đã thấy dạ dày thôi thúc như muốn thõa mãn ngay cơn thèm thuồng. Nhưng đã đến với vùng đất võ Bình Định đồng thời là đến với vùng biển xanh, cát trắng với những bãi tắm trải dài hút tầm mắt du khách, nơi đây quý khách được thưởng thức thêm về đặc sản biển tươi ngon, đặc biệt không ai không thưởng thức qua đó chính là món bún chả cá Quy Nhơn nổi tiếng lừng danh.Bún chả cá Quy Nhơn không chỉ được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận và xác lập là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam mà điều đặc trưng làm nên thương hiệu cho tô bún chả cá Quy Nhơn không nơi nào có được đó chính là phần chả cá. Chả cá phải được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy, tươi nguyên từ vùng biển Quy Nhơn và phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, sau đó được vo thành viên tròn nhỏ hoặc làm thành bánh tròn lớn dày, phủ lên lớp trứng mỏng rồi chiên hoặc hấp chín. Cùng với nước lèo của bún được nấu từ nước xương và đầu cá thu vừa được lóc thịt làm chả, thêm vào một ít nấm rơm, măng khô, một ít xương bò hay xương heo để tăng thêm vị ngọt tự nhiên, đậm đà của nước và sợi bún nhỏ, thanh. Bún cá ăn kèm với rau sống gồm: xà lách, bắp chuối, giá, ngò, bỏ thêm chút ớt gia vị. Bún chả cá Quy Nhơn có cái mềm, dẻo dai, thơm ngon, mát lành của hạt gạo, vị ngọt chân chất của xương, thơm, vị béo, đậm đà của cá, màu nước bún trong, sợi bún nhỏ và mềm, chỉ nhìn tô bún thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Quy Nhơn. 
Bún chả cá Quy Nhơn

Bún chả cá Quy Nhơn– Ảnh: TTTTXDL
Khi nói đến ẩm thực Bình Định chúng ta không thể bỏ qua được đặc sản nổi tiếng là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá được mệnh danh là “Đệ nhất Danh Tửu” của Việt Nam. Không giống với các loại rượu khác, rượu Bàu Đá khi uống vào hơi cay nồng, vị đậm, uống xong ta thấy đọng lại vị ngọt thanh, mùi thơm khó tả và đặc biệt sau khi uống xong quý khách không bị đau đầu. Tất cả tạo nên nét riêng độc đáo cho loại rượu mang thương hiệu Bàu Đá vốn tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rượu rất thủ công với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Rượu Bàu Đá phải được chưng cất từ gạo và nguồn nước ngầm trong mát, ngọt ngào từ những hộc đá ngầm xóm Bàu Đá, thôn cù lâm, xã Nhơn lộc, thị xã An Nhơn. Phải mất đến 6 ngày mới cho một mẻ rượu (một nồi nấu). Bắt đầu từ việc chọn gạo và nếp. Mỗi mẻ nấu sử dụng khoảng 7,0 kg gạo. Cơm đã trộn men được mang đi ủ, sau 3 ngày cơm dậy mùi thơm của men rượu, chế vào 16 lít nước lấy từ nguồn nước ngầm xóm Bàu Đá, ủ tiếp 2 ngày, khi mở nắp hầm ủ mùi thơm ngào ngạt của cơm rượu đã chín cho ta cảm giác ngất ngây. Cho cơm rượu vào nồi đun trong 5 giờ, rượu được chưng cất qua ống tre nối từ nồi nấu sang nồi ngưng tụ (có dụng cụ chứa nước làm mát nồi ngưng). Một mẻ có thể cho ra khoảng 4 lít rượu nguyên chất. Điều đặc biệt là rượu Bàu Đá càng để lâu càng thơm ngon, uống càng đậm đà, càng sảng khoái. Nếu uống một cách điều độ mỗi ngày chỉ một, hai cốc nhỏ sẽ cho cảm giác thoải mái, dễ chịu, trị được chứng đau lưng, nhức mỏi, giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn.
5 Ruou Bau Da ( An nhon Binh Dinh)
Rượu Bàu Đá – Ảnh: TTTTXTDL
Ngoài ra, Bình Định còn rất nhiều món ăn nổi tiếng khác mà du khách nên thưởng thức đó chính là bánh Ít lá gai, gié bò, chim mía Tây Sơn, chính mun Châu Trúc hay bún tôm Phù Mỹ. Trong đó, bánh Ít lá gai đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể Bánh ít lá gai Bình Định có giá trị từ năm 2017 đến năm 2026.
Về Bình Định mà chưa được thưởng thức món nem chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang, bún chả cá Quy Nhơn nhâm nhi với chén rượu Bàu Đá coi như du khách chưa về “miền đất Võ” vậy./.

Tác giả bài viết: Lê Chi - TTTTXTDL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây