TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Bình Định: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, các huyện vùng miền núi đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện nhiều dự án bảo tồn di tích văn hóa-lịch sử phục vụ phát triển du lịch tại các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung bố trí vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (như: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Gộp Nước Ló, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão; xây dựng nhà văn hóa thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân; xây mới nhà văn hóa-khu thể thao làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở đã chủ trì phối hợp các sở, ngành và chính quyền các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh triển khai kế hoạch thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Định giai đoạn 2021-2030).

Nhằm thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, ngày 23/11/2022, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3899/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình tại tỉnh Bình Định giai đoạn I từ 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, các nhiệm vụ thuộc Dự án 6 được tỉnh Bình Định triển khai bao gồm: Khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống: trang phục, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ… của các DTTS; Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại các địa phương để khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch.
 

231Phat trien du lich gan voi bao ton van hoa dong bao dan toc thieu so 1
Tỉnh Bình Định đẩy mạnh triển khai Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. 

Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; Tổ chức lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các DTTS có khó khăn đặc thù và nguy cơ mai một; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức văn hóa xã, các nghệ nhân người DTTS; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể của các DTTS có nguy cơ mai một; Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống của các DTTS; Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư; Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS.

Xây dựng nội dung xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS cấp phát cho cộng đồng các DTTS; Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan các loại hình văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao truyền thống của đồng bào DTTS và đăng cai ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền Trung; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia vùng đồng bào DTTS; Hỗ trợ thang thiết bị nhà văn hóa tại các thông vùng đồng bào DTTS; Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS cấp huyện trong các ngày hội, giao lưu, liên hoan nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS... 

Huyện miền núi An Lão là địa phương có khí hậu mát mẻ, lại sở hữu khu bảo tồn thiên nhiên với những thắng cảnh trời phú, như: Thác Đá Ghe; thác Long Vo (xã An Hưng); hồ Hưng Long (xã An Hòa); thác bốn tầng (xã An Quang); thác R’rê và thác Rông (xã An Vinh); hồ Đồng Mít (xã An Trung)... Vì thế, An Lão được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài những lợi thế tự nhiên, huyện An Lão cũng lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của ba dân tộc chính: Kinh, H’rê và Ba Na. Mỗi dân tộc có một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng về lễ thức truyền thống, như: đám cưới; lễ cúng làng; lễ cúng con nước; hội hát Ta Lêu, Ka Choi,... với nhiều loại nhạc cụ đặc trưng truyền thống, nhất là cồng chiêng được sử dụng. Huyện An Lão đang triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đồng thời tập trung phát triển các loại cây như cam, bưởi, bơ (xã An Toàn; xã An Hòa); mây tự nhiên (100 ha); chè tiến vua (hơn 600 gốc chè cổ thụ); chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu; sim An Quang (300 ha); rượu cần Hrê (xã An Hưng)..

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Thạnh là huyện miền núi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp. Cùng với đó, huyện Vĩnh Thạnh còn có nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Ba Na. UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch phát triển một số điểm du lịch gắn với bảo tồn văn hoá đồng bào DTTS trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Việc ban hành kế hoạch này, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.

Mục tiêu chung của kế hoạch là đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi thu hút đầu tư hình thành một số điểm tham quan du lịch trọng tâm; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, từng bước nâng cao vị thế du lịch huyện Vĩnh Thạnh; bảo đảm an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Theo kế hoạch, một số điểm du lịch tiềm năng thu hút khách gồm suối Tà Má - Làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp), vùng hoa Anh Đào - Làng K3 (xã Vĩnh Sơn) sẽ được tập trung đầu tư xây dựng để trở thành điểm tham quan du lịch trọng tâm trong không gian phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh. Trong đó, suối Tà Má - Làng Hà Ri được định hướng trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch như: tham quan cảnh quan đồi, đồng ruộng; hoa Trang rừng - Suối Tà Má, cây đa cổ thụ; trekking, dã ngoại, khám phá sinh thái cảnh quan rừng; trải nghiệm quá trình dệt thổ cẩm; khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na.

Còn vùng hoa Anh Đào - Làng K3 được định hướng phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, cảnh quan, sinh thái với các sản phẩm du lịch như: tham quan các khu du lịch sinh thái (hoa Anh Đào, mai Anh Đào, phượng tím, rau trái ôn đới…); tham gia các hoạt động vui chơi giải trí (rừng, hồ…); trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực, mua sắm đặc sản địa phương; tìm hiểu văn hóa đồng bào Bana Vĩnh Thạnh.
 

231Phat trien du lich gan voi bao ton van hoa dong bao dan toc thieu so 2
Các địa phương khai thác tài nguyên văn hóa bản địa trong phát triển du lịch. Ảnh: VH.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, các huyện có nhiều người đồng bào DTTS sinh sống khác như Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh cũng có những tiềm năng, lợi thế lớn như: suối Tà Má, hồ Định Bình, hồ Hòn Lập, Gộp Nước Ló (xếp hạng cấp quốc gia năm 2002). Đặc biệt xã Vĩnh Sơn ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với núi rừng hùng vĩ, sông, suối, thác nước còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995). Một số loài hoa cảnh quan đang được trồng phục vụ phát triển du lịch như: Mai anh đào, anh đào Nhật Bản, cẩm tú cầu… Cùng với đó là nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Bana K’riêm Vĩnh Thạnh như lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, truyền thuyết, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng..

Tại huyện Vân Canh, thời gian qua có 29 thôn, làng đồng bào dân tộc Chăm H’roi và Bana được hỗ trợ cồng chiêng từ các cấp ngành. Huyện cũng thành lập 8 CLB cồng chiêng, định kỳ 2 năm/lần tổ chức liên hoan cồng chiêng để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Địa phương này không những quan tâm giữ gìn nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang, huyện còn hỗ trợ bảo tồn giá trị các loại nhạc cụ truyền thống như: Trống kơ toang, xà reo, chập chõa cũng như các lễ hội cầu mưa, ăn tết tại nhà rông, xuống lúa giống… 

Để đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch, UBND huyện Vân Canh cho biết: Huyện Vân Canh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Bana làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận; lớp học tiếng, chữ viết Chăm H’roi cho cán bộ, công chức… Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng...

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây