Chùa Bà – Di tích kiến trúc tôn giáo độc đáo ở Bình Định
- Thứ năm - 01/11/2018 15:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong số những di tích kiến trúc tôn giáo ở Bình Định, Chùa Bà – Nước Mặn được xem là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng. Nơi này lưu giữ những giá trị tinh thần đặc biệt với người dân địa phương và là nơi gắn với cảng thị Nước Mặn nổi tiếng một thời.
Chùa Bà tọa lạc tại thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 25km. Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một nhân vật thần thoại thường cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển. Quy mô và những dấu tích gắn với cơ sở thờ tự này là một minh chứng sinh động về sự phát triển của cảng thị Nước Mặn (Tuy Phước) trong suốt gần 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, mà điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này.
Di tích Chùa Bà - Ảnh: Báo Bình Định
Chùa Bà có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất. Chùa quay mặt về hướng Nam, bên cạnh sông Cầu Ngói, một chi nhánh của sông Cây Da. Phía trước chùa có một hồ nhỏ, sau hồ là bức bình phong án ngữ trước cửa chính vào chùa. Mặt trước của bình phong trang trí hình Long Mã, bát quái, theo tích “ Long Mã hà đồ” trong Phật giáo; mặt trong trang trí hình chim phượng, một trong “Tứ linh” hay được thờ trong các đình chùa.
Kiến trúc của chùa được xây dựng theo lối Nam Hoa, mái cong hình thuyền, đỉnh trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, hai đầu đốc trang trí hình chim phượng, riềm mái trang trí hoa văn theo lối ghép mảnh men sứ các loại. Phía trước chùa thiết kế 3 cổng Tam quan kiểu vòm cuốn, phía trước bên trên gắn hình Hổ và Kỳ Lân, riềm mái trang trí hình Bát Tiên, chính giữa trang trí hình Rùa, một biểu tượng “Tứ linh”. Nhà thiết kế 3 gian, phần khung đỡ xưa là gỗ, nay được thay bằng một số vật liệu mới, kiến trúc theo kiểu chồng rường, kẻ chuyền.
Gian chính Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai tay để hai tư thế. Tay trái để úp bàn tay lên đầu gối, tay phải co lên, bàn tay ngửa trong lòng cầm lệnh bài.Hai bên có hai tượng đứng là hai vị Thiên Nhĩ (Nghe xa ngàn dặm) và Thiên Nhãn (Nhìn xa ngàn dặm); dưới gầm bàn thờ bày 2 tượng thần Hổ nằm, tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 4 chữ “Hộ quốc tý dân” (bảo vệ đất nước, che chở dân lành) do triều Nguyễn ban tặng. Gần cửa chính là bàn thờ hội đồng chư thần.
Người dân đến cúng bái bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - Ảnh: Báo Pháp luật
Bàn thờ bên trái thờ Thần Hoàng làng. Thần mặt đỏ, mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ vuông kết dải buông thõng, ngồi tư thế hai tay chắp trước bụng, chân đi giày mũi cong. Phía trước Thần là bàn thờ bày Tam sự, hai bên bày tượng hai vị Thần hộ pháp (Thần gác cửa). Dân gian ở đây gọi 2 vị thần: Tả Du và Hữu Du. Bên trên, treo bức hoành phi đề chữ khảm ốc “Phúc ấm trùng quang” (phúc tốt còn mãi). Bên phải là bàn thờ Bà Thai Sanh Thánh Mẫu, tượng gỗ tạc tư thế ngồi, chân mang hài mũi cong, tượng sơn son thếp vàng. Thần mặc áo kiểu triều phục màu vàng, hai tay co, bàn tay nắm tự nhiên, một tay cầm cuộn vải phán, một tay cầm cây bút tàu. Hai bên bà bày 2 tượng Ngựa sơn đỏ. Phía trước là bàn thờ tượng 12 Bà Mụ trong tư thế bồng con. Dưới chân bày bàn thờ để các chúng sinh đến cúng lễ bái cầu con tại bàn thờ này. Bên trên treo bức hoành phi đề 3 chữ “Tư sanh đức”.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn - Ảnh: Trung tâm TTXTDL
Ngoài sân phía bên phải vào là miếu Thanh Minh, tiếp đến là một giếng nước vuông (loại giếng Chăm) được sử dụng lại. Sau cùng là nhà thờ Nghĩa tự xây mới, bên trong thờ những người có công đóng góp xây dựng Chùa.
Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử và sau nhiều lần trùng tu, Chùa Bà – Nước Mặn được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 20.7.2010. Di tích Chùa Bà là công trình kiến trúc thuộc loại cổ xưa hàng đầu ở tỉnh, lại gắn liền với Lễ hội Nước Mặn (được tổ chức hàng năm vào ngày cuối tháng Giêng âm lịch, kéo dài trong 3 ngày) nên giữ vị trí quan trọng không chỉ trong tâm linh mà còn cả trong đời sống văn hóa tinh thần. Bên cạnh các điểm đến, di tích văn hóa lịch sử tọa lạc tại huyện Tuy Phước như: Khu sinh thái Cồn Chim, Tiểu chủng viện Làng Sông, Võ đường Long Phước Tự ... thì Chùa Bà cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.