TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Công bố danh sách “Top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn của Bình Định” được du khách bình chọn trực tuyến

1. Khu Dã ngoại Trung Lương
a1
Khu dã ngoại Trung Lương. Ảnh: Lê Thị Vi Nhân
Trung Lương là một trong những bãi biển khá quen thuộc và nổi tiếng với khách du lịch Bình Định. Bãi biển nằm ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 30 km. Nước biển xanh trong hoang sơ, sóng vỗ bờ nhẹ nhàng, bờ biển trải dài ngút mắt với bãi cát trắng mịn cùng với cung đường tuyệt đẹp uốn lượn bao quanh dãy núi Bà, các phiến đá với nhiều hình thù kỳ lạ đẹp mắt, nhấp nhô xếp chồng lên nhau tạo nên bức tranh biển cả nên thơ và nhẹ nhàng, đọng lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách phương xa. Đến đây, du khách có thể thong thả dạo biển, chụp hình cưới, thưởng thức hải sản hay đơn giản là hòa mình vào dòng nước trong mát Trung Lương.
2. Khu Du lịch Cửa Biển
a2
Khu Du lịch Cửa Biển. Ảnh: Đào Phan Minh Cần
Khu Du lịch Cửa Biển – Seagate Park nằm phía Bắc bán đảo Phương Mai. Là một khu du lịch đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách với nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Đến với Seagate Park, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thơ mộng với sự kết hợp hài hòa giữa sự hiện đại của kiến trúc, sự trong lành của cây cối, những âm thanh du dương của thiên nhiên. Trải nghiệm cảm giác thư thái khi Chèo thuyền kaya trên dòng sông xanh biếc, tham gia vào trò chơi đấu trường bò tót đầy kịch tính và lí thú, bắn cung thể hiện sự tài nghệ. Nếu du khách là một người thích cảm giác mạnh có dịp thử sức với trò chơi Trượt cáp zipline 2 chiều đu người vắt vẻo trên dây qua sông, hòa mình vào trò chơi vòng xoay nữ hoàng hoặc leo núi.
Đặc biệt, rẻ em đến với khu du lịch Cửa Biển Quy Nhơn sẽ như lạc vào khu vườn cổ tích vì có những nhân vật truyện tranh như nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, tấm cám, Thạch Sanh. Bên cạnh đó các em còn được trai nghiệm những trò chơi vui nhộn như cầu trượt, nhà banh, đạp vịt và nhiều trò khác nữa.
Dọc đồi trong khu du lịch là khu nghĩ dưỡng gồm những ngôi nhà nhỏ ven đồi được thiết kế kiểu dáng xinh đẹp với chất liệu bằng gỗ, không gian phòng ngủ sang trọng.
3. Biển Tp. Quy Nhơn
a3
Thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Công Trung
Bãi biển Quy Nhơn nằm ngay trung tâm thành phố, sở hữu đường cong ví như vầng trăng khuyết với biển xanh, bãi cát vàng rộng thoai thoải kéo dài hơn 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Ngoài vui chơi, tắm biển, tham ga các trò chơi biển, du khách cũng có thể tản bộ trên bờ cát mịn mát, hít thở bầu không khí trong lành, đón làn gió mang hương vị mằn mặn của biển và dùng bên cạnh đường thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon, hấp dẫn trên phố Xuân Diệu.
4. Khu du lịch Kỳ Co
a4
Khu Du lịch Kỳ Co. Ảnh: Sưu tầm
Nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 25 km, được ví như Maldives của Việt Nam, Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là một bãi biển đặc biệt hoang sơ quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, đường bờ biển công như lưỡi liềm với 3 mặt giáp núi và 1 mặt giáp biển, đẹp tựa một bức tranh vừa nên thơ vừa hùng vĩ.
Kỳ Co rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là những người ưa du lịch khám phá, bởi không chỉ có cảnh đẹp làm say lòng người mà còn được tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị: tắm biển, lặn ngắm san hô, cano siêu tốc,... Tại đây du khách có thể hoà mình vào dòng nước trong sạch hiếm có và đùa nghịch trên bãi cát trắng xoá. Bãi Kỳ Co rất thích hợp cho những chuyến đi của gia đình, đặc biệt nếu có trẻ nhỏ, các bé sẽ vô cùng thích thú khi được ngâm mình trên biển mà cứ tưởng như đang trong một hồ bơi cạn tự nhiên, cùng bắt sò, bắt ốc và chơi đùa với những con cá nhỏ bị sóng đánh vào bờ.
5. Đảo Cù lao Xanh
a6
Đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Đặng Thanh Phương
Là hòn đảo cách TP.Quy Nhơn khoảng 22km, Cù Lao Xanh là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Bình Định. Bởi đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian xanh bất tận của biển xanh, trời xanh và đảo xanh.
Được ngắm nhìn hoàng hôn trên cầu cảng với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chài dung dị trong khung cảnh bình yên phía bờ nam của đảo; hoặc du khách cũng có thể khám phá nét hoang sơ với những hòn đá đủ hình thù, với sự hùng vĩ, bao la của trời - biển và núi non nơi phía bắc đảo.
Đến với Cù Lao Xanh, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng có chiều cao 118m so với mặt biển được xây dựng cách nay hàng trăm năm. Được tắm nước suối Giếng Tiên mà tương truyền xưa kia vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời thường xuống đây để du ngoạn, tắm mát và vui đùa!
6. Tháp Đôi        
a7
Tháp Đôi. Ảnh: TTTTXTDL
Tháp Đôi là một trong 7 cụm tháp cổ Chămpa hiện còn khá nguyên vẹn ở tỉnh Bình Định. Tháp còn có tên là tháp Hưng Thạnh, có niên đại cuối TK12 đầu TK13. Tháp Đôi đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dựa vào hình dáng của 2 ngôi tháp này có thể nói là độc đáo nhất và có một không hai. Nếu những ngôi tháp Chăm truyền thống có cấu trúc phần thân vuông, phía trên là các tầng tháp thu nhỏ dần, trên góc các tầng tháp có trang trí những tháp góc, thì ở tháp Đôi về hình dáng của tháp không giống với bất kỳ ngôi tháp nào khác hiện còn, đó là một cấu trúc gồm 2 phần chính: phần dưới là khối thân vuông vức và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Từ bộ diềm mái trở lên, Tháp Đôi không thu nhỏ giật cấp thành 3 tầng tháp như các tháp truyền thống, mà thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả. Mỗi tầng như vậy được báo hiệu ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda đang trong tư thế đôi chân cong hơi chùng lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, 2 cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của tầng trên tháp, khuôn mặt rắn khắc khổ và dữ tợn. Đây là những tác phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Kh’mer thế kỷ 12-13.
7. Tháp Bánh Ít
a8
Tháp Bánh Ít. Ảnh: Đào Phan Minh Cần
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi khác là tháp Bạc, theo danh mục nghiên cứu của người Pháp là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Kiến trúc tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.
Tháp Bánh Ít là một trong bảy cụm Tháp trên đất Bình Ðịnh còn khá nguyên vẹn, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, có giá trị văn hóa độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V.
 Tháp Bánh Ít bao gồm 4 kiến trúc tháp được xây trên một đồi núi đất đỏ, to, cao, dáng vẻ hùng vĩ, uy nghi. Tháp lớn nhất cao 22m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh ngọn tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Ðồi núi của tháp Bánh Ít có nhiều trãng to, rộng, ở về cuối làng Huỳnh Kim, đầu các làng Ðại Lộc, Phong Niên, Vạn Mỹ và nằm bên cạnh dòng Tân An, sát cạnh quốc lộ số 1, bên cạnh cây số 1214 cách Quy Nhơn 15 km. Ở đây phong cảnh hữu tình, có gió mát cây xanh, cảnh vật kỳ thú yên tĩnh, có cây trái thơm ngọt trong mùa hè, phơi màu tươi thắm ở trên những trãng của đồi núi tĩnh lặng. Hơn nữa, nơi đây có nhiều đá son, có giống chim "tò le" kêu rất kỳ lạ.
Di tích Tháp Bánh Ít cũng hội tụ nhiều nét kiến trúc khác nhau, là một trong những công trình đền tháp có quy mô lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa đang được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 1982.
8. Chùa Linh Phong (Chùa Ông Núi)
a9
Chùa Linh Phong. Ảnh: Sưu tầm
Người dân Bình Định vẫn thường gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi. Chùa thuộc xã Cát Tiến, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định. Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh thu hút khách khi đến thăm miền đất võ. Theo như tài liệu biên soạn năm 2001 của chùa, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giap Tý (1684). Còn theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa sang lập năm 1702. Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào Nam tu hành. Năm 1733 chúa Nguyễn Phúc ban cho Lê Ban pháp hiệu Tĩnh Giác, xây lại chùa và đặt tên thành Linh Phong thiền tự
Để lên chùa, du khách leo bộ trên những bậc đá, với độ cao hơn 100m. hai bên đừng cây cối um lùm, rì rào theo gió. Khi đến địa phận chùa Linh Phong, từ phía trước Chánh điện, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại, ngay cạnh TP Quy Nhơn; đi về hướng Tây có một cây cầu nhỏ đi đến các mộ Tháp và hang Tổ nổi tiếng là nơi tu luyện của Thiền sư Lê Ban ở phía sau núi. Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả ba mặt như một ngôi nhà và vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ ban đầu. 
Đặc biệt, ở một bên sườn núi sát bên ngôi chùa cổ là tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á. Với chiều cao 69m, gồm phần chân đế cao 15m, toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép. Tượng ngự trên tòa sen, ở lưng chừng núi trên độ cao 129m so với mặt nước biển. Nhìn ra biển Đông, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất khu di tích núi Bà. Phía dưới là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán, thư viện Phật giáo, bảo tàng Xá Lợi Phật, nơi để du khách đến hành lễ, chiêm bái.
9. Thắng cảnh Hầm Hô
a10
Thắng cảnh Hầm Hô. Ảnh: Sưu tầm
Hầm Hô là một đoạn suối do hai nhánh song Đồng Hưu và song Cát đổ vào sông Phú Phong. Không rõ cái tên dân dã và ý nghĩa của nó có từ bao giờ mà ý nghĩa của nó mỗi người giải thích một khác. Có người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô, báo cho người chèo bè mảng trên dòng biết sắp tới chổ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là Hầm Hô.
Đặc trưng của thắng cảnh Hầm Hô là sự kết hợp hài hòa giữa rừng cây, núi đá, cá nước, chim trời tạo thành một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Đến Hầm Hô vào các mùa xuân, hạ, thu chúng ta cảm thấy như sống giữa một màu xanh tươi mát của cây xanh, nước xanh, trời xanh…
Đến thắng cảnh Hầm Hô, du khách có thể tham quan Dinh Tiền Hiền, đập Hầm Hô và xuôi theo nước sông cuộn chảy quanh co theo các ghềnh thác với các địa danh rất sử thi và lãng mạn như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải, Cửa Sanh, Cửa Tử, Thác Cá Bay, Vũng Cá Rói, Hòn Trào, Hòn Lò Rượu, Dấu Chân Khổng Lồ... và cùng người thân, bạn bè trải nghiệm những hoạt động thú vị như: đốt lửa trại, bơi thuyền thể thao,  tắm suối, câu cá, đạp vịt…
10. Eo Gió
a11
Eo Gió. Ảnh: Hồ Hữu Tấn
Eo Gió thuộc khu vực 3, thôn Lý Lương, xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một eo biển xanh, đẹp hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Không biết từ bao giờ hay xuất phát từ lòng mến mộ cảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia và du khách khi đến tham quan tại đây, mà địa danh Eo Gió - đã được "phong tặng" là nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Nhìn từ xa Eo Gió giống như 1 cái yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển, mặt khác nếu đứng từ trên cao nhìn xuống lại tựa như một cái phễu, vì thế Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào với sức gió rất mạnh. Vào mùa đông, biển động dữ dội mang theo những cơn mưa và gió lớn, hơi lạnh của nước biển kèm theo những đợt sóng dâng cao sẽ bào mòn đá nơi đây, theo thời gian đã tạo nên những khe rãnh xẻ ngang đồi núi, hình thành các vách núi sừng sững. Chính những yếu tố thiên nhiên này đã tạo cho Eo Gió một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Nào là cảnh ngư dân đánh bắt cá; cảnh bà con ngư dân tranh mua hải sản khi thuyền vào bờ; là chùa Phước Sa - ngôi chùa có kiến trúc tuyệt đẹp, linh thiên và tượng Quan Âm trên đỉnh núi hướng ra biển như dõi theo, phù hộ độ trì cho bà con ngư dân trong vùng; là Tịnh Xá Ngọc Hòa - với tượng Phật bà Quan Âm hai mặt lớn nhất Việt Nam…Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn "bồng lai".
 

Tác giả bài viết: Trung tâm TTXT Du lịch Bình Định

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây