Đi tìm lời giải cái tên Tháp Thầy Bói trên Đầm Thị Nại
- Thứ tư - 30/10/2024 16:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đầm Thị Nại
Khi mặt trời nhô lên khỏi dãy Triều Châu là lúc du khách được phóng tầm mắt ngắm nhìn vẻ đẹp mờ ảo, huyền bí như lạc vào cõi tiên từ mặt đầm. Khi thì nắng chiếu ấm áp khiến mặt đầm óng ánh như dát vàng, khi lại phảng phất sự ma mị nhờ ánh tím đỏ chiều hoàng hôn. Tất cả tạo nên vẻ đẹp kiêu sa, huyền ảo.
Hôm nay là ngày Lễ ông cuối vụ
Con cháu ta tụ họp về đây
Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy
Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải... đó nghe
Đang thả mình chìm đắm vào cảnh sắc, quanh quẩn đâu đây điệu hò Bả Trạo đã đưa tôi về với thực tại. Trên đầm xuất hiện những ngư dân chèo thuyền nhỏ với đôi bàn tay thoăn thoắt. Họ làm nghề đánh bắt truyền thống giăng đăng, chồi rế, trủ ngao…miệng ngân nga câu hò hân hoan.
Người ta hò điệu này với tâm nguyện rước hồn các Đức Ông (cá voi) cùng những người đã khuất do sông nước trở về. Qua điệu hò và đôi bàn tay không nghỉ tôi cảm được những nét sinh hoạt, lao động đặc trưng của người dân làng chài hay đời sống tinh thần của họ hiện lên thật sinh động và chân thực.
Đầm Thị Nại, nơi nổi tiếng với cảnh sắc đẹp và những người dân chài thật thà, chất phác. Đầm rộng lớn nằm ở các địa phận: thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định. Với diện tích hơn 5.000 ha, đây là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định, là đầm lớn thứ hai trong các đầm phá ở Việt Nam.
Ngoài vẻ đẹp nên thơ, yên bình, Đầm Thị Nại có vị trí quan trọng, nằm ở cửa ngõ dẫn vào kinh đô Chiêm Thành và triều Tây Sơn, là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử qua các triều đại từ Champa đến Đại Việt và đã có biết bao anh linh ở lại với cửa biển này.
Trước đây có thời gian đầm mang tên là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chăm Pa, nguyên gốc tiếng Phạn là Sri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại, người Hoa gọi cảng này là Tân Châu. Trong quá khứ, đây là hải cảng nổi tiếng của vương quốc Chiêm Thành
Trong lịch sử, Đầm Thị Nại là căn cứ thủy quân của nhà Tây Sơn vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1801 diễn ra trận thủy chiến lớn nhất và cuối cùng giữa nhà Tây Sơn và đội quân của Nguyễn Ánh. Người đời sau ví đây là “trận Xích Bích” của người Việt, được sử sách nhà Nguyễn coi là "Võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.
Trước năm 1975, Đầm Thị Nại, khu vực Khu Đông là căn cứ địa vững chắc, là nơi xuất phát của lực lượng đặc công, đội trinh sát, của quân và dân ta để thực hiện các trận đánh vào nội thành Quy Nhơn.
Đầm còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên quý giá. Có thể kể đến nhiều loại tôm cá nước ngọt, nước lợ, cua biển, hàu, ốc có thể đánh bắt quanh năm. Với người dân sông nước nơi đây, mấy ngàn năm qua, biết bao đời, biết bao người đã trải qua “sanh nghề, tử nghiệp”
Phù sa từ các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh đều đổ về đây, lâu dần bồi đắp khiến cho đầm càng đầy thêm. Khi thủy triều lên, mặt đầm nước mênh mông, tạo sóng dập dìu như mặt biển. Khi thủy triều rút nước cạn để lại mặt đầm trơ trọi, lênh láng sình lầy. Vì vậy trong các sách cổ, nơi đây còn được gọi với cái tên đầm Biển Cạn.
Đầm Thị Nại có vị trí tuyệt đẹp, nước từ các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh đổ về đầm rồi từ đó đổ ra với biển qua một cửa hẹp gọi là cửa Giã, người dân thường gọi là cửa Thị Nại. Nơi đây có Cảng Quy Nhơn, một trong những thương cảng có vị trí đắc địa trong giao thông và vận chuyển hàng hóa của khu vực miền Trung – Tây nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Cửa Giã được tạo ra trong thế “thủy khẩu giao nha” bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bờ phía Đông. Trong tiếng Việt cổ, giã là biển. Sau này ở một số vùng giã trở thành từ chỉ nghề đánh cá biển. Có lẽ trước đây cửa biển này là nơi thường xuyên ra vào của thuyền bè đánh cá nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển cả đã ngược theo sông Kôn lên đến tận miền thượng để đổi lấy sản phẩm.
Ai về cửa Giã chiều hôm,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên
Đâu là nguồn gốc cái tên Tháp Thầy bói
Lang thang trên đầm nửa ngày, thử cảm giác lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ, xuôi theo dòng nước, được nghe những câu hò Bả Trạo, những câu chuyện lịch sử đã qua, được ngắm những nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, hệ động thực vật đa dạng và phong phú bậc nhất cùng nhiều cảnh đẹp làm mê say lòng người như: Cồn Chim, cầu Thị Nại, bán đảo Phương Mai…
Mất khoảng 15 phút di chuyển về hướng Tây, từ xa dưới bóng nắng chiếu rọi trên đầm, giữa thênh thang biển nước xuất hiện cồn đá san hô nổi lên. Bên trên cồn hiện hữu ngọn Tháp mang khí chất linh thiêng cô độc giữa bao la trời nước mà người dân nơi đây từ ngàn xưa vẫn gọi là Tháp Thầy Bói.
Trước khi đặt chân đến Tháp, qua tìm hiểu một số sách vở về lịch sử “ Đất võ trời văn” Bình Định được biết tên Tháp Thầy Bói đã tồn tại từ rất lâu đời
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Đầm biển cạn (Thi Nại) ở phía Đông huyện Tuy Phước, chu vi 9.500 trượng, nước đầm đổ vào cửa biển Thi Nại, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi tháp Thầy Bói”.
“Trong đầm Thi Nại ở phía Tây, gần phía Quy Nhơn, giữa mênh mông sóng nước nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói”. Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn.
Trong tập Bình Định Danh thắng và Di tích của bộ sách Địa chí tỉnh Bình Định, tháp Thầy Bói được chọn đưa vào danh mục những di tích và danh thắng tiêu biểu: “Trong đầm ở gần phía bờ Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói”.
Tương truyền rằng, thuở xa xưa ở vùng đá nổi này có một ông thầy bói lựa chọn là nơi có phong thủy tốt để an cư. Nơi đây ông đã cho xây dựng Tháp và hành nghề bói của mình để cứu đời.
Ông bói giỏi đến nỗi tiếng tăm đồn xa khắp vùng, nhiều người sùng mộ muốn được ông xem bỏi phải chịu khó khăn chèo thuyền ra xếp hàng cả ngày. Mãi đến sau này khi Ông mất, vì không có đệ tử truyền nghề ngôi Tháp bị bỏ hoang không ai ở.
Từ đó ngôi tháp này có tên là tháp Thầy Bói, qua thời gian bị gió bão đánh sập. Để tưởng nhớ ông thầy giỏi và kính thờ thủy thần của dân làng chài, người dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng lại ngôi miếu thờ chắc chắn và khang trang hơn.
Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng từ trước đến nay không có ngọn tháp nào cả. Tên Thầy Bói thực ra là tên một giống chim ăn cá. Miền Bắc hay gọi là chim Bói Cá, còn ở Bình Định người ta gọi là chim Thầy Bói. Giống chim này thường tụ tập nơi gành đá, khóm đá để bắt mồi. Khóm đá có dáng tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.
Cho đến nay không ai biết được tích nào mới là đúng, nhưng không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của tháp Thầy Bói trên đầm khiến cảnh quan nơi đây thêm phần sinh động, đặc sắc và linh thiêng.
Từ lâu, trên tháp Thầy Bói có một ngôi miếu nhỏ do ngư dân lập để thờ thủy thần và tế lễ vào dịp Thanh minh. Ngôi miếu hiện nay vẫn còn và đã nhiều lần tu tạo. Bên cạnh miếu cổ là một ngôi tháp lục giác, hai tầng mái khá đẹp và khang trang.
Từ một ngôi miếu ban đầu, đến năm 2010, tháp Thầy Bói có 3 công trình, và trong hai năm 2010 – 2012 đã có thêm 5 công trình mới, nâng tổng số các công trình tín ngưỡng và tôn giáo trên tháp Thầy Bói lên đến con số 8.
Việc xây dựng nơi hương khói trên tháp Thầy Bói phù hợp với tín ngưỡng tâm linh và đạo lý truyền thống của người dân vùng biển nơi đây tôn thờ và xây dựng lên. Tất cả đều mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng và mùa màng bội thu.
Tháp Thầy Bói nổi lên như một nét chấm phá giữa mênh mông nước, khiến cho những ai đặt chân nơi đây không khỏi cảm giác như lọt vào một ốc đảo giữa biển trời kỳ thú, gió Nồm mang theo hơi nước mặn mòi như xen lẫn trong từng hơi thở, bên dưới mặt nước cá tung tăng bơi lội, bên trên chim bay lượn đầy trời.
Mỗi buổi ban mai, những tối trăng tròn sóng sánh giữa biển trời, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên, bầu không khí tĩnh lặng thư giãn, ngắm cảnh ghe thuyền độc mộc ngư dân đang thả lưới, nghe độc tôn câu hò Bả Trạo, khám phá cuộc sống của những ngư dân làng chài với nhiều trải nghiệm mới lạ, thú vị.
Đứng trên Tháp Thầy Bói, phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ của đầm, cảnh đẹp của khu kinh tế Nhơn Hội, Cầu Thị Nại, phía xa xa là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút rợp cánh cò bay... trong mắt tôi hiện ra với nhiều góc độ khác nhau.
Phía Bắc tháp Thầy Bói, tại bờ phía Tây cửa Thị Nại, có một bãi cát rộng là nơi tụ tập nghỉ ngơi sau khi no mồi, cánh mỏi của bầy chim Nhạn nên được gọi là Bãi Nhạn. Tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc làm say lòng kẻ lữ khách.
“Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm
Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi”.
Ngày nay, Tháp Thầy Bói không chỉ là nơi linh thiêng của người dân bản địa, mà với du khách thập phương, nơi đây còn là điểm ngoạn cảnh, làm nên nét duyên riêng có giữa bốn bề sóng nước của đầm Thị Nại.
Mọi người thường đến Tháp để tham quan chỉ là một phần, cái chính vẫn là đi cầu tự vào những buổi tế lễ hay dịp Thanh Minh. Người dân biển nơi đây, mỗi lần giương buồm tàu thuyền ra khơi đều ghé vào tháp thắp một nén nhang nơi đền thờ thủy thần để cầu nguyện cuộc sống bình an, công việc thuận lợi, may mắn trên biển.