Độc đáo Lễ hội Đô thị Nước mặn tại Bình Định
- Chủ nhật - 23/02/2020 08:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tháng giêng xem hội chùa Ông
Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà
Ai đi buôn bán nơi xa
Lo về kịp hội quê nhà thường niên
Hội Bà chính là lễ hội Chùa Bà lưu truyền từ thuở cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh đến giờ, nay gọi là lễ hội Đô thị Nước Mặn. Hằng năm lễ hội được tổ chức ngày 29, tháng Giêng và mùng 1, 2, tháng 2 Âm lịch ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định. Đây là một hoạt động văn hóa nhiều ý nghĩa và mang bản sắc văn hóa của vùng đất Võ, thu hút người dân và du khách gần xa trẩy hội.
Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà
Ai đi buôn bán nơi xa
Lo về kịp hội quê nhà thường niên
Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Bà
Theo sử sách ghi lại, cách đây hơn 400 năm trước, vào khoảng năm 1610 khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn thịnh.
Theo TS. Lê Đình Phụng, trong bài Thương cảng Nước mặn (Qui Nhơn) – Xứ Đàng Trong cho rằng: “Nằm trên địa bàn một phủ giàu có, gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, Dinh Nha Trang, có nguồn hàng dồi dào từ cao nguyên đổ về, cảng Nước Mặn có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại… cũng như các thương cảng xứ Đàng Trong, cảng Nước Mặn hồi sinh chủ yếu với sự tham gia của các thương nhân người Hoa và thương nhân Châu Âu qua lại buôn bán, thu mua hàng hóa, sản vật nhiệt đới”. Riêng chữ quốc ngữ, những công trình mới nhất đều ghi nhận rằng chính từ cảng thị Nước Mặn, những vị giáo sĩ Dòng Tên người Bồ, người Ý: Francesco do Pina, Buzomi, Cristoforo Borri…, sau đó là Alexandre Rhodes hoàn thiện từ những năm nửa đầu thế kỷ XVII. Văn minh cảng thị Nước Mặn và nguồn cội chữ quốc ngữ vẫn còn nhiều dấu tích ở nơi đây.
Đài tưởng niệm các linh mục dòng Tên đặt tại nhà ông Võ Cự Anh ở thôn An Hòa, xã Phước Quang. Ảnh sưu tầm
Trải qua bao biến cố lịch sử, Cảng thị Nước Mặn đã trở thành một vùng quê yên tĩnh. Tuy nhiên, Chùa Bà vẫn còn, Lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một thương cảng sầm uất bậc nhất miền Trung, là Trung tâm thương mại, văn hóa một thời. Tại đây đã diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa rất phong phú. Chính Chùa Bà và Lễ hội Đô thị Nước Mặn là biểu tượng trung tâm của sự giao lưu, tiếp biến đó.
Chùa Bà có thời gian hình thành cũng từ khá sớm (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, năm 1626 đã có chùa Bà) sau khi những người Hoa về vùng đất này sinh sống và buôn bán ngày càng phát triển, đã góp công xây dựng ngôi chùa Bà thờ các vị gồm Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Chúa Thai Sinh - Bảo sản và Thần Hoàng làng… để tưởng nhớ những người có công xây dựng nên Cảng thị Nước mặn và phù hộ cho người đi biển, buôn bán mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp. Chùa Bà đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận Di tích lịch sử - văn hóa vào tháng 3-2011.
Du khách dâng hương lễ Bà. Ảnh: Sưu tầm
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm, là dịp người dân nơi đây tưởng nhớ lại một thời phồn thịnh của vùng đất “trên bến dưới thuyền”, là nơi để chúng ta tự hào về nguồn cội của cha ông đã xây dựng phát triển một thời. Cùng với nét độc đáo của văn hóa tâm linh Chùa Bà, các hoạt động phong phú, đặc sắc của Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, thu hút ngày càng nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan, cầu bình an và may mắn.