TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulichbinhdinh.com.vn


Du lịch - Kỳ tích phát triển của Việt Nam trong năm 2017

Năm 2017 thực sự là năm thành công và để lại nhiều dấu ấn của ngành du lịch Việt Nam. Ngành đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, đạt mức tăng trưởng gần 30%; phục vụ khoảng 73 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 510.000 tỷ đồng.
viewimage
Du khách quốc tế tại Khu du lịch Bãi Trường Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Tăng trưởng chưa từng có

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, việc đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 với mức tăng 3 triệu khách trong năm thực sự là kỳ tích phát triển chưa từng có của ngành du lịch Việt Nam từ khi thành lập đến nay. 

Năm 2017 cũng là năm đầu tiên ngành du lịch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy những mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra cho ngành du lịch đang dần trở thành hiện thực. Đây thực sự là một dấu ấn quan trọng, góp phần khích lệ những người làm du lịch cả nước cùng phấn đấu để thực hiện mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 như Nghị quyết 08-NQ/TW đề ra.

Thành công của năm 2017 được tạo đà từ những nỗ lực vượt qua thách thức của ngành từ năm 2016. Năm 2016, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng du lịch nước ta là 26% đón được tròn 10 triệu khách quốc tế. Nửa đầu năm 2017, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố số liệu khách quốc tế trên toàn thế giới căn cứ theo lượng khách quốc tế đến. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới và đứng đầu Châu Á-Thái Bình Dương với mức tăng tại thời điểm đó là 31,2%.

Tổ chức Du lịch thế giới cũng đánh giá Việt Nam không còn là điểm đến du lịch xa lạ với du khách quốc tế. Việt Nam hấp dẫn khách du lịch bởi nền văn hóa lịch sử lâu đời, ẩm thực phong phú và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn.

Du lịch Việt Nam trong năm qua được thế giới đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu quốc tế, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế... Có thể kể đến việc Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xác lập kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch khi lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”.

Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay cũng dành được danh hiệu là “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới”. Vietravel đã trở thành công ty lữ hành Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới năm 2017”. Việt Nam cũng trở thành điểm đến du lịch Golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2017...

Những thành tích đạt được của năm 2017 là kết quả của quá trình nỗ lực làm chính sách tốt, thực hiện visa điện tử, tiếp tục miễn visa cho công dân một số nước, công tác xúc tiến, quảng bá được đẩy mạnh.
Trong năm 2017, công tác quản lý nhà nước về du lịch được đẩy mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tập trung đối với lĩnh vực quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên. Công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch tăng cường, đổi mới.

Ngành du lịch đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội vào nhiều tỉnh, thành phố, tập trung đối với phân khúc cao cấp, nâng cao hình ảnh và năng lực cạnh tranh của du lịch. Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội được nâng cao và chuyển biến rõ rệt.

Nhiều địa phương đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Năm 2018, đặt chỉ tiêu đón 16 triệu khách quốc tế

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ, với những thành công, “cú hích” của năm 2017, năm 2018, toàn ngành phải nỗ lực phát huy đà tăng trưởng, đạt ít nhất là 16 triệu lượt khách quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh, để đạt được điều đó, những người làm du lịch phải đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết để chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch Việt Nam đang có thương hiệu lớn. Thương hiệu du lịch mà Việt Nam đã khẳng định được trên thế giới chính là lợi thế giúp ngành tiếp tục nâng cao vị thế, tên tuổi trên bản đồ du lịch quốc tế. Do đó, vấn đề xúc tiến và quảng bá du lịch cần đi vào chiều sâu để đạt được hiệu quả thiết thực.

Mặc dù hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng phải tiếp tục có đổi mới, nếu không sẽ khó đạt kết quả mong muốn. Cách tiếp cận, truyền tải thông tin nên cô đọng nhưng cuốn hút, dễ hiểu, thuyết phục bằng hình ảnh sinh động thật đặc trưng của Việt Nam để tạo ấn tượng với khách hàng.

Tổng cục Du lịch và Cục Hợp tác quốc tế cần phối hợp hiệu quả nhằm khai thác những thế mạnh văn hóa đặc trưng để xúc tiến, quảng bá cho du lịch Việt Nam. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ với các đại sứ quán, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục có giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng phục vụ lưu trú; quyết liệt đối với hiện tượng hướng dẫn viên du lịch chui, kém chất lượng. Việc triển khai, phổ biến Luật Du lịch 2017 cần sớm được triển khai, phổ biến tại các địa phương và phải làm ngay từ đầu năm 2018...

Chưa bao giờ ngành du lịch có nhiều nghị quyết, đề án, văn bản pháp quy đầy đủ như hiện nay, toàn ngành phải nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, Nghị quyết 08-NQ/TW đã xác định du lịch là một trong những trụ cột then chốt trong phát triển kinh tế của đất nước.

Có thể nói rằng Nghị quyết 08-NQ/TW đã thực sự tạo ra động lực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Hiện tại, việc thực hiện Nghị quyết mới ở giai đoạn khởi đầu nhưng đã tạo ra thay đổi, chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội với sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.

Tháng 6-2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Du lịch năm 2017 và Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch năm 2017 đang được hoàn tất để có hiệu lực đồng bộ cùng Luật Du lịch vào ngày 1-1-2018. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam những năm tiếp theo.
 

Nguồn tin: Theo Việt Nam plus

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây