Không chỉ nổi tiếng với miền "đất Võ, trời Văn", Bình Định còn vang danh với nhiều làng nghề truyền thống, nổi bật trong đó là làng chiếu cói hơn 200 năm ở thị xã Hoài Nhơn.
Tháng 8, hàng trăm nông dân ở xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) tất bật thu hoạch chiếu cói trên cánh đồng Gia An Đông. Lãnh đạo xã Hoài Châu Bắc cho biết địa phương có hơn 600 hộ dân trồng, dệt chiếu cói. Làng nghề truyền thống này đã hình thành và phát triển hơn 200 năm.
Vào mùa thu hoạch, nông dân nơi đây tất bật ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt. Họ dùng lưỡi liềm sắc bén cỡ lớn để cắt cói chất thành hàng dài trên cánh đồng.
Bà Trần Thị Lan (ngụ xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn), cho hay mỗi năm có hai mùa thu hoạch chiếu cói. Trong đó vụ chiêm vào khoảng tháng 3-4 và vụ mùa kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9.
Nông dân gánh chiếu cói về nhà trên những cánh đồng tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt tác. Theo định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực phía bắc, Bình Định chọn các sản phẩm du lịch chính bao gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, ẩm thực và nghỉ dưỡng.
Đoàn người cần mẫn gánh chiếu cói từ cánh đồng Hoài Châu Bắc về nhà trong buổi bình minh trở thành chủ đề hấp dẫn, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia sáng tác. "Chụp ảnh mùa thu hoạch chiếu cói nơi đây, tôi cảm giác như đi lạc giữa cánh đồng bất tận, thơ mộng còn hơn cả trong phim ảnh", anh Văn Khoa (ngụ TP.HCM) chia sẻ.
"Tham quan thị xã Hoài Nhơn, tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những người mẹ, người chị gánh chiếu cói trĩu nặng hai vai trên cánh đồng Hoài Châu Bắc. Họ thức dậy sớm, tất bật lao động trong buổi bình minh gợi cho tôi nhớ thương hình ảnh mẹ, cha tần tảo chịu thương, chịu khó vì tương lai các con nơi quê nhà", chị Thu Trà, du khách đến từ TP.HCM, nói.
Chiếu cói được tập kết thành đống lớn trước khi đưa lên xe cơ giới chuyển về nhà.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết địa phương định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù là lấy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển làm mũi nhọn; trải nghiệm làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, ẩm thực làm nền tảng phát triển. Trong số này, tour trải nghiệm, khám phá cánh đồng và tham quan làng nghề truyền thống chiếu cói Hoài Châu Bắc là một trong những điểm nhấn hấp dẫn du khách.
Để làm nên một chiếc chiếu cói đẹp, bền, đủ kích thước thì người làm phải tuyển chọn từng cây cói, sau đó chẻ và phơi đủ nắng để cói được bền chắc và giữ được màu.
Theo giá thị trường hiện nay, mỗi tấm chiếu cói thành phẩm được bán ra thị trường với giá 100.000-150.000 đồng tùy theo kích cỡ", bà Cúc, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói ở xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn cho hay.
Trước đây, người dân nơi đây chủ yếu dệt chiếu bằng phương thức thủ công. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, họ sử dụng máy dệt công suất lớn, cho ra 10-12 tấm chiếu mỗi ngày.
Tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chiếu cói Hoài Nhơn”. Theo lãnh đạo xã Hoài Châu Bắc, sản phẩm chiếu cói nơi đây không chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, một số cơ sở sản xuất còn xuất sang thị trường các nước Đông Âu, Đông Nam Á, mang lại doanh thu cho địa phương.
Trước đó, ngày 26/8, tại Hội nghị tìm giải pháp phát triển du lịch khu vực phía bắc của tỉnh, ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, giới thiệu với các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành và lãnh đạo các tỉnh miền Trung nhiều "điểm đến mới" ở thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão.
Theo ông Toàn, trong bán kính 50 km, khu vực phía bắc Bình Định hội đủ điều kiện tự nhiên với bãi biển, vùng đồng bằng, trung du, miền núi. Gành đá Lộ Diệu, rừng dừa Tam Quan, làng nghề chiếu cói Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn), bãi biển Mỹ Thọ (Phù Mỹ) đến vườn cây trái tươi xanh huyện Hoài Ân và vùng cao An Lão có đầy đủ bản sắc dân tộc, làng nghề truyền thống để hấp dẫn du khách.
Bình Định cũng đã phê duyệt Đề án Định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó xác định thị xã Hoài Nhơn là nơi tập trung đón tiếp, phân phối khách đi các khu, điểm du lịch phía bắc và chuyển tiếp tới các khu du lịch phía nam tỉnh...