Mục sở thị cụm tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á ở Bình Định
- Thứ sáu - 20/12/2024 09:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách TP. Quy Nhơn khoảng 50km, tháp Dương Long tọa lạc tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định là cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á hiện còn. Tháp giữa cao 39m, hai tháp bên cao 32m và 33m.
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, Bình Định là vùng đất cổ gắn liền với lịch sử của Vương quốc Chăm pa dưới thời Vijaya (999 - 1471). Đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của Vương quốc Chăm pa ở miền Trung Việt Nam. Khoảng thời gian từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 vương triều Vijaya đã cho xây dựng tại Bình Định nhiều tháp gạch có quy mô to lớn với 14 tòa tháp trong 8 khu. Ảnh: Trương Định.
Các cụm tháp chính hiện còn đến ngày nay gồm có tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lộc, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Thủ Thiện, tháp Đôi, tháp Bánh Ít và nhiều phế tích tháp khác. Trong đó, Dương Long là tòa tháp gạch cổ có chiều cao cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Gia.
Tháp giữa cao 39 m, hai tháp bên cao 32 m và 33 m. Cả ba ngôi tháp Dương Long có hình dáng gần giống nhau như cùng nằm thẳng hàng theo trục Bắc - Nam, cửa chính quay về hướng đông. Ảnh: Trương Định.
Các nhà nghiên cứu người Pháp gọi cụm tháp này là Tour’d lvoire (tháp Ngà). Dân địa phương trước đây gọi theo địa danh vùng này là tháp Bình An hay An Chánh, tuy nhiên, Dương Long là tên gọi phổ biến và thống nhất hiện nay. Ảnh: Nguyễn Gia.
Tháp Dương Long cũng như hầu hết các tháp Chăm ở Bình Định có sự ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer. Căn cứ vào vật liệu, đường nét kiến trúc và điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại cho khu tháp Dương Long là khoảng thế kỷ 12-13. Ảnh: Trương Định.
Kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ và nhiều dấu tích kiến trúc đã sụp đổ cho thấy nơi đây đã từng là một khu đền tháp lớn. Ảnh: Trương Định.
Sự khác biệt giữa các tháp thể hiện trong trang trí điêu khắc qua từng nhát đục tài hoa của người thợ Chămpa xưa . Ảnh: Trương Định
Một trong những yếu tố thể hiện rõ nét sự ảnh hưởng văn hóa Khmer đó chính là hình tượng rắn thần Naga. Trải qua các lần khai quật tại tháp Dương Long với mục đích trùng tu, tôn tạo các nhà khảo cổ học đã phát hiện số lượng lớn hiện vật điêu khắc đá mà phần lớn thể hiện đề tài rắn Naga. Ảnh: Trương Định
Rêu phong tháp cổ. Ảnh: Trương Định.
Trải qua nghìn năm lịch sử, cụm tháp vẫn bền vững cùng với thời gian. Ảnh: Trương Định.
Những lớp gạch cổ. Ảnh: Trương Định.
Phần chân tháp. Ảnh: Trương Định.
Cụm tháp Dương Long đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015. Ảnh: Trương Định.