Tung sản phẩm du lịch mới, Bình Định kỳ vọng thu hút khách hè
- Thứ năm - 04/07/2024 21:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, công tác chuẩn bị cho các sự kiện du lịch của tỉnh trong tháng 7 đã hoàn thành.
Hiện, Sở Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu các lễ hội, sự kiện đặc sắc của tỉnh để kích cầu du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và mến khách.
Thế mạnh của du lịch Bình Định vẫn là các sản phẩm du lịch gắn với biển. Ảnh: Thu Dịu.
Trong tháng 7, loạt sự kiện du lịch sẽ diễn ra như: Giải vô địch Điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia năm 2024 (diễn ra từ 26/6 đến 5/7); giải bóng đá bãi biển vô địch quốc gia năm 2024 (diễn ra từ 11/7 đến 21/7); giải vô địch trẻ kickboxing toàn quốc năm 2024 (diễn ra từ 22/7 đến 31/7); lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 (diễn ra từ 11/7 đến 15/7)…
Bình Định bắt đầu quan tâm tới du lịch thể thao dưới nước như giải đua mô tô nước, đua thuyền máy quốc tế. Ảnh: Dũng Nhân.
Theo ông Thanh, các sự kiện này hứa hẹn “chiêu đãi” người dân và du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Việc liên tiếp triển khai các hoạt động, sự kiện kết hợp với du lịch giúp Bình Định giữ được “sức hút” đối với du khách.
Đáng kể, trong các sự kiện lớn của tháng 7, lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định là điểm nhấn với nhiều sự kiện hấp dẫn.
Lễ hội Tinh hoa đất biển 2024 với chủ đề “Bình Định - Khát vọng biển” với chuỗi sự kiện giải trí, văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc sắc hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách nhiều trải nghiệm. Từ đây, hình ảnh đẹp về đất và người Bình Định được du khách biết đến, lan tỏa, góp phần cho quảng bá hình ảnh của vùng đất này.
Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách khi tới Bình Đinh.
Thống kê Sở Du lịch Bình Định, trong 6 tháng đầu năm, Bình Định đón hơn 5,6 triệu lượt khách, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch ước đạt 15.000 tỷ đồng.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, đóng góp của ngành du lịch không chỉ thể hiện ở những con số biết nói. Doanh thu du lịch được đánh giá toàn diện ở góc độ đa ngành. Du lịch tăng trưởng giúp cho các ngành hàng như chế biến sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, ẩm thực…
Hướng đến du lịch xanh, bền vững
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, kết quả trong thời gian qua là bước đệm cần thiết để du lịch Bình Định phát triển hơn. Đây cũng là yếu tố giúp ngành du lịch của tỉnh này xác lập vị thế mới trên bản đồ du lịch của quốc gia.
Du khách thích thú trải nghiệm tour du lịch sinh thái khám phá rừng ngập mặn Cồn Chim – Đầm Thị Nại.
“Du lịch Quy Nhơn - Bình Định đã phát triển hơn so với trước đây, nhưng vẫn thiếu những câu chuyện hấp dẫn. Nói đơn giản, ở làng chài xung quanh Quy Nhơn có nhiều điểm thú vị, những trải nghiệm độc đáo, song du khách hầu như chỉ biết đến trong những giới thiệu đơn giản biển đẹp, hải sản ngon. Các giá trị khác chưa được đề cập nhiều. Ngay như làng chài Nhơn Hải, câu chuyện cư dân ở đây thay đổi cùng chung tay bảo vệ rùa biển là một câu chuyện hay, một sản phẩm du lịch độc đáo, và tôi nghĩ rằng nếu khai thác tốt thì đó là nét riêng không nơi nào của được”, anh Nguyễn Ngọc Huy - một du khách đến từ Tp.HCM chia sẻ.
"Với các điểm phát triển du lịch của Bình Định rất cần thiết có thêm sản phẩm du lịch về đêm. Quy Nhơn có nhiều lợi thế như cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa… nhưng du khách không ở lại lâu. Do vậy, du lịch Quy Nhơn - Bình Định những năm gần đây cứ lên xuống theo chu kỳ - năm đông khách, năm vắng khách (vì phần lớn du khách ít hoặc quay trở lại sau thời gian lâu hơn). Nếu có các tụ điểm kinh tế đêm, du khách có thêm trải nghiệm, họ ở lại lâu hơi và sẽ quay trở lại thường xuyên hơn nếu sản phẩm đó hấp dẫn”, ông Lê Duy Lân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trung Hội.
Nỗ lực để du lịch Bình Định cất cánh
Ông Thanh thông tin thêm, phát triển du lịch là tổng hòa của nhiều ngành nghề, ngoài việc kiến tạo các sản phẩm du lịch mới thì yếu tố dịch vụ đi kèm (lưu trú, vận tải, ẩm thực…) là rất cần thiết. Do vậy, Sở đã có đề xuất UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo để phối hợp thực hiện.
Cùng với đó, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc nâng cao chất lượng, dịch vụ du lịch ở các tour, tuyến, điểm đến. Chú trọng vào công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Đáng chú ý đó là sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm tại thành phố Quy Nhơn; sản phẩm cộng đồng, sinh thái gắn với chăm sóc sức khỏe; sản phẩm văn hóa tâm linh, sản phẩm Võ cổ truyền Bình Định… Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp với các địa phương làm mới các sản phẩm du lịch cộng đồng để hút khách.
Nhằm đa dạng thị trường du lịch, thu hút khách hàng ở nhiều phân khúc, tập trung vào nhóm khách hàng có chi tiêu cao, thời gian qua Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với các ngành, các địa phương phát triển thêm các sản phẩm mới, đồng thời làm mới các sản phẩm du lịch đang có.
Nói về điều này, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bình Định nhìn nhận, trước đây, khi nhắc tới du lịch Bình Định thì sản phẩm du lịch chủ yếu là sản phẩm có sẵn của tự nhiên như nét hoang sơ của biển, đảo, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa…
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành du lịch Bình Định nhìn nhận các điểm hạn chế, từ đó có giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện.
“Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng ở làng chài Nhơn Hải đến năm 2025, chúng tôi có một sản phẩm mới đó là sản phẩm du lịch sinh thái biển đảo đó là tour xem rùa biển đẻ trứng. Đây là sản phẩm độc đáo kết hợp với những cảnh đẹp của Nhơn Hải như rừng rong mơ dưới nước, con đường thành cổ trên biển…", ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, Tp.Quy Nhơn (Bình Định).