Nét nhân văn trong câu hát Bài Chòi
- Thứ ba - 16/10/2018 16:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trải qua hàng trăm năm, có lúc thăng lúc trầm nhưng nghệ thuật Bài Chòi mãi như mạch nước ngầm lan chảy không dứt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, được nuôi dưỡng, kế thừa, phát triển qua nhiều thế hệ.
Từ xa xưa, với người dân vùng Nam Trung Bộ nói chung và người dân Bình Định nói riêng, Bài Chòi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, dù là lúc họ đang vất vả lao động trên đồng ruộng hay lúc nghỉ ngơi, lễ Tết. Sự mếm mộ dành cho bài Chòi mạnh mẽ đến mức người ta ví von thành câu ca:
“Rủ nhau đi đánh Bài Chòi.
Để con nó khóc mà lòi rún ra”
hay
“Thà rằng ăn mắm mút dòi.
Cũng nghe Bài Chòi cho sướng cái tai”
Còn đối với những người con xa quê, nếu tình cờ giữa chốn thị thành nhộn nhịp nghe được giọng hô, hát hay tài ứng đối, lối diễn trò của “Hiệu” là như tạm quên cuộc sống xô bồ hiện tại, được trở về quê mẹ, cùng người thân sống những tháng ngày vô tư, vui vẻ bên bờ dậu, lũy tre rồi chạnh lòng và khắc khoải nhớ…
Hội đánh Bài Chòi tại Ngày hội đồng hương Bình Định. Ảnh Thu Trinh
Chơi - đánh - hô - hát là 4 tên gọi để diễn tả loại hình nghệ thuật dân gian Bài Chòi. Trong nghệ thuật Bài Chòi, những câu tục ngữ, ca dao, bài vè…được biến tấu, chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên về mọi cảnh đời trong cuộc sống thường nhật. Qua những câu hát, câu hô là hình ảnh, thông điệp khơi gợi tình yêu quê hương đất nước sâu sắc; ngợi ca tình phụ mẫu, tình thầy trò, tình đồng chí; ngợi ca những đức tính tốt đẹp của con người: lòng hiếu nghĩa, nhân ái, sự bao dung, chia sẻ, cái tâm trong sáng; là tình yêu đôi lứa khi thăng hoa cảm xúc khi mang một khoảng lặng buồn trắc trở. Đặc biệt là gởi gắm vào đấy những điều ông cha muốn răn dạy cho thế hệ sau những chân lý, những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc:
“Cơm cha áo mẹ chữ thầy.
Lòng con ghi nhớ ơn này không phai”.