Nét nhân văn trong câu hát Bài Chòi

Thứ ba - 16/10/2018 16:39
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc và thời gian ra đời của nghệ thuật Bài Chòi, tuy nhiên, tất cả đều có cùng điểm chung là Bài Chòi xuất phát từ các tỉnh vùng Nam Trung bộ Việt Nam, mang hơi thở cuộc sống và nói lên tiếng nói của nhân dân lao động.

Trải qua hàng trăm năm, có lúc thăng lúc trầm nhưng nghệ thuật Bài Chòi mãi như mạch nước ngầm lan chảy không dứt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, được nuôi dưỡng, kế thừa, phát triển qua nhiều thế hệ.
Từ xa xưa, với người dân vùng Nam Trung Bộ nói chung và người dân Bình Định nói riêng, Bài Chòi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, dù là lúc họ đang vất vả lao động trên đồng ruộng hay lúc nghỉ ngơi, lễ Tết. Sự mếm mộ dành cho bài Chòi mạnh mẽ đến mức người ta ví von thành câu ca:

“Rủ nhau đi đánh Bài Chòi.

Để con nó khóc mà lòi rún ra”

hay

“Thà rằng ăn mắm mút dòi.

Cũng nghe Bài Chòi cho sướng cái tai”

Còn đối với những người con xa quê, nếu tình cờ giữa chốn thị thành nhộn nhịp nghe được giọng hô, hát hay tài ứng đối, lối diễn trò của “Hiệu” là như tạm quên cuộc sống xô bồ hiện tại, được trở về quê mẹ, cùng người thân sống những tháng ngày vô tư, vui vẻ bên bờ dậu, lũy tre rồi chạnh lòng và khắc khoải nhớ…

hinh bai choi

Hội đánh Bài Chòi tại Ngày hội đồng hương Bình Định. Ảnh Thu Trinh

Chơi - đánh - hô - hát là 4 tên gọi để diễn tả loại hình nghệ thuật dân gian Bài Chòi. Trong nghệ thuật Bài Chòi, những câu tục ngữ, ca dao, bài vè…được biến tấu, chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên về mọi cảnh đời trong cuộc sống thường nhật. Qua những câu hát, câu hô là hình ảnh, thông điệp khơi gợi tình yêu quê hương đất nước sâu sắc; ngợi ca tình phụ mẫu, tình thầy trò, tình đồng chí; ngợi ca những đức tính tốt đẹp của con người: lòng hiếu nghĩa, nhân ái, sự bao dung, chia sẻ, cái tâm trong sáng; là tình yêu đôi lứa khi thăng hoa cảm xúc khi mang một khoảng lặng buồn trắc trở. Đặc biệt là gởi gắm vào đấy những điều ông cha muốn răn dạy cho thế hệ sau những chân lý, những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc:

Cơm cha áo mẹ chữ thầy.

Lòng con ghi nhớ ơn này không phai”.

Có thể nói, nghệ thuật Bài chòi là sự kết tinh, chắt lọc từ những nét đặc trưng nhất trong văn hóa dân gian. Đó không chỉ là mảnh đất nuôi dưỡng, bồi đắp cho cái hồn trong ca dao, tục ngữ Việt Nam mà còn được xem là sân khấu để trình diễn các làn điệu dân gian ấy được phô diễn, khoe sắc. Những điệu hát trong Bài chòi tuy khẳng khái, rắn rõi nhưng không kém phần mượt mà, sâu lắng như tính cách của con người vùng đất này vừa mạnh mẽ, kiên định vừa uyển chuyển, linh hoạt, tuy chân quê nhưng gần gũi, chất phát. Tất cả đều trở thành nét đặc trưng rất riêng, rất trân quý của người dân vùng Nam Trung Bộ. Cho nên, dù nghe ở khía cạnh nào thì tự mỗi người cũng đều cảm nhận được những ý nghĩa sâu sắc bên trong và hễ đến với Bài chòi là bạn như đã đến với một phần của con người nơi đây.
hinh bai choi 1
Hội đánh Bài Chòi tại Quy Nhơn. Ảnh: Thu Trinh
Với những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân gìn giữ, cứ thế, từ một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sau hàng trăm năm, nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 07/12/2017 và buổi Lễ vinh danh được long trong tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào ngày 05/5/2018. Từ đó, Bài Chòi bước ra thế giới dung dị, mộc mạc, đầy tính nhân văn và thấm đẫm hồn Việt.

Tác giả bài viết: Thu Trinh - TTTTXTDLBD

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây