Cái tên Ghềnh Ráng cũng hàm chứa bao nét đặc trưng của con người nơi đây và gây tò mò cho mọi người khi lần đầu tiên nghe cái tên lạ lẫm này. Tương truyền xưa kia, mỗi khi đi qua những gành, những rạn, người dân chài phải tìm cách hãm bớt gió để thuyền đi chậm lại, để tránh không cho thuyền va chạm vào những bãi đá nhọn nhô ra biển. Thao tác này trong ngôn ngữ bình dân của những người dân chài gọi là ráng. Lâu dần, người ta đọc thành Ghềnh Ráng. Một danh lam thắng cảnh không chỉ nổi tiếng bởi cái đẹp, cái độc đáo phong cảnh mà còn nổi tiếng bởi chính cái tên chân chất, mộc mạc.
Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển.Hàn Mặc Tử đã không còn nhưng thơ ông vẫn sẽ mãi ở trong lòng những người yêu thơ. Rất nhiều những thế hệ yêu thơ đã tìm đến với ông, tìm đến Ghềnh Ráng để được tưởng nhớ và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa.
Cạnh bên khu mộ Hàn Mặc Tử có một nghệ nhân Trương Dzũ Kha nguyện gắn đời mình với nghệ thuật bút lửa, thỏa niềm đam mê những vần thơ cháy bỏng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ông mở một cửa hàng nhỏ, dùng que hàn điện để ghi lại những bài thơ của Hàn Mặc Tử lên những miếng gỗ thông còn thơm mùi nhựa, một món quà cho những ai mến mộ tài năng thi sĩ trẻ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn