Bình Định - Quy Nhơn - Cá chình mun làng Châu Trúc

Thứ ba - 04/07/2017 09:48
Cá Chình có ở nhiều nơi như những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ, các hồ nuôi tôm dọc bờ biển miền Trung và ở Bình Định. Cá Chình thuộc họ nhà Lươn, Chạch nhưng lớn hơn nhiều, có con nặng hàng ký. Đặc biệt, Chình mun thì chỉ có ở đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là Chình mun có lẽ vì da nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm, ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao.

Dân địa phương kể lại rằng trước đây Hoa Kiều ở Quy Nhơn mua Chình Mun về treo lên dùng bột gạo vuốt hết nhớt. Thứ bột gạo tẩm nhớt chình này làm món xúp là bổ nhất. Bởi vậy gặp con chình sạch hết nhớt là khó có người mua. Chình quý đầu tiên ở nước nhớt. Ngoài ra thịt chình có thể tiềm, chưng, xào, nấu canh nhưng hấp dẫn hơn cả là nướng và hấp. Con Chình Mun đã có mặt từ trước năm 1975 trong các tửu quán của Hoa Kiều Sài Gòn và một số nước trong khu vực.

Ngoài cách thức chế biến trên dân địa phương còn làm rượu chình ngâm nguyên một con chình mun vào vò rượu để khoảng hai tháng trở lên, uống trị thận, đau lưng.

Một nhà nghiên cứu nghệ thuật từng sống ở nhiều nước cho rằng: Con Chình Mun Châu Trúc có thể sánh với con cá Hương Lạng Sơn và con cá Chép Tây Hồ (Trung Quốc) là những thứ quý hiếm đã được “phong thần” trong danh sách của làng ẩm thực quý tộc. Ông ta còn cho biết thêm rằng xưa kia nhà ông thuộc hàng bá hộ ở Bình Định nhưng đến ngày giỗ lớn chỉ có thể mua nổi một khúc Chình Mun. Khúc chình ấy là trung tâm trong cái mâm trọng vọng nhất của bữa cỗ!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây