Cho đến nay, thông qua các đợt khai quật khảo cổ học người ta đã xác định được cách đây trên 2000 năm trên vùng đất Bình Định ngày nay đã có cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống. Từ đầu Công nguyên (năm 192) trên dải đất miền Trung Việt Nam đã hình thành một nhà nước cổ đại, đó là Nhà nước Chăm-pa. Nhà nước Chăm-pa được xây dựng trên một nền tảng văn hóa hết sức rực rỡ, nó kế thừa những thành tựu của nền văn hóa Sa Huỳnh trước đó, đồng thời tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều yếu tố của các nền văn hóa khác trong khu vực. Nhà nước Chăm-pa với sự khởi nguồn từ năm 192 đã kết thúc vai trò lịch sử riêng của mình vào nửa cuối thế kỷ XVII, chấm dứt sự tồn tại đầy oanh liệt của mình trong suốt 16 thế kỷ.
Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam với gần 5 thế kỷ giữ vai trò trung tâm của nhà nước Chăm-pa, mặc dù có nhiều bước thăng trầm, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng văn hóa Chăm-pa ở đây vẫn phát triển cho đến khi nhà nước Chăm-pa mất vai trò lịch sử. Dấu tích văn hóa của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng và trở thành đối tượng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về Bình Định.
Tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Năm 1490 (chưa đầy 20 năm sau), theo Thiên nam dư hạ tập cho biết: dưới thời Hồng Đức, Phủ Hoài Nhơn có 19 tổng và 100 xã.
Năm 1570, Nguyễn Hoàng, người được vua Lê cử trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam lúc bấy giờ có cả phủ Hoài Nhơn.
Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.
Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ được dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay thuộc xã Nhơn Thành, An Nhơn).
Từ thời các chúa Nguyễn, ở đàng Trong nói chung, Bình Định nói riêng đã có sự phân hóa giàu nghèo, địa vị khác nhau và các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt vào đầu thế kỷ XVII, vấn đề trên càng trở nên mâu thuẫn sâu sắc. Cho đến trước cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn 1771, ở Bình Định đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía: cướp của nhà giàu, chia cho dân nghèo, trừng phạt quan lại hống hách bức hiếp dân. Nhưng tồn tại chẳng được bao lâu, cuộc khởi nghĩa của Lía bị thất bại.
Năm 1773, cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu đã phát triển xuống Tây Sơn hạ đạo, chiếm lĩnh đất Kiên Thành (nay là Kiên Mỹ) nơi đã từng sinh ra các thủ lĩnh Tây Sơn, Nguyễn Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Cùng trong năm đó (1773), nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.
Tháng 3 năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, các tướng lĩnh khác đều được phong chức cho tương xứng với một chính quyền Trung ương mới được thành lập. Năm 1793, sau khi vua Quang Trung chết, Nguyễn Ánh đem quân đánh thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc bị bệnh sai con là Nguyễn Bảo chỉ huy kháng cự, quân của Nguyễn Bảo bị thua, bỏ chạy. Vua Quang Toản sai thái úy Phạm Công Hưng, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở cùng tướng thủy quân là Đặng Văn Chân từ Phú Xuân vào cứu viện, đánh quân Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh thua chạy. Quân Quang Toản vào thành, Nguyễn Nhạc mang vàng bạc ra khao quân. Phạm Công Hưng và các tướng lĩnh ra lệnh tịch thu châu báu và binh giáp các kho rồi chiếm thành. Nguyễn Nhạc phẫn uất hộc máu chết.
Từ năm 1793 – 1799, thành Hoàng Đế đổi thành phủ Quy Nhơn dưới vương triều Cảnh Thịnh, cũng là bước đường suy yếu của Tây Sơn.
Từ năm 1799 – 1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.
Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập.
Năm 1907, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâycu Đe. Một nửa đất đai của tỉnh này cho sát nhập trở lại vào tỉnh Bình Định.
Năm 1913, thực dân Pháp lại sát nhập Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú.
Năm 1921, thực dân Pháp tách tỉnh Phú Yên ra, lập lại tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945.
Cùng với cuộc cách mạng tháng Tám long trời, lở đất, ngày 3/9/1945, sau khi khởi nghĩa dành chính quyền thắng lợi UBND cách mạng lâm thời mới của tỉnh lấy tên tỉnh Bình Định là tỉnh Tăng Bạt Hổ. Tuy nhiên tỉnh Tăng Bạt Hổ thay cho tỉnh Bình Định chưa được Trung ương công nhận, trên các văn bản chính thống của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn không thay đổi tỉnh Bình Định, do đó tỉnh Tăng Bạt Hổ tồn tại không được bao lâu.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) Bình Định là tỉnh tự do hoàn toàn, là hậu phương chiến lược trực tiếp của chiến trường khu V, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Chín năm kháng chiến gian khổ và anh dũng đó, nhân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp công, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp Định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên theo tinh thần Hiệp định này, đất nước ta còn tạm thời chia cắt làm 2 miềm: miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có tỉnh Bình Định còn phải chịu dưới ách thống trị của bọn tay sai đế quốc, chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Trong khi Hiệp Định Giơnevơ (1954) về Đông Dương ký chưa ráo mực, Đế Quốc Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Chính quyền Ngô Đình Diệm chia miền Nam Việt Nam thành hai miền: từ Bình Thuận trở vào gọi là Nam phần; từ Bình Thuận trở ra vĩ tuyến 17 gọi là Trung phần. Trung phần lại chia thành hai khu vực, gọi là Trung nguyên Trung phần và Cao nguyên Trung phần. Tỉnh Bình Định thuộc Trung nguyên Trung phần và vẫn giữ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh như trước đây cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975).
Trong suốt 20 năm (1954 – 1975), thực hiện lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, quân và dân tỉnh Bình Định đã vượt qua vô vàn hi sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, bám đất, bám dân góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương yêu dấu của mình vào ngày 31/3/1975.
Từ cuối năm 1975 đến năm 1989, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Trong 15 năm hợp nhất nhân dân Bình Định cùng với nhân dân Quảng Ngãi ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Từ năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân Bình Định đã ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, có nhiều đổi mới về nếp nghĩ trong phát triển kinh tế, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trong đời sống của mỗi người dân. Một cuộc sống mới tốt đẹp ở tương lai: ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh đã và đang được nhân dân Bình Định cùng với cả nước phấn đấu xây dựng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn