Tháp cổ trên đất Bình Định

Thứ ba - 13/11/2018 14:54
Nhà nước Chămpa cổ đại hình thành từ đầu Công nguyên và phát triển hưng thịnh nhất vào khoảng thế kỉ X – XV với kinh đô là thành Đồ Bàn trên đất An Nhơn, Bình Định ngày nay. Những dấu tích văn hóa Chămpa minh chứng về một thời kỳ vàng son rực rỡ còn lưu giữ đến ngày nay, điển hình là quần thể 7 cụm 13 tháp trải đều trên các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Trải qua cả ngàn năm, bất chấp bom đạn chiến tranh, sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, giữa nắng gió miền Trung, những tháp Chăm đầy huyền bí vẫn sừng sững vững chãi in bóng trên nền trời xanh biếc.
Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Nếu những tháp Chăm ở Mỹ Sơn là những công trình tôn giáo - tín ngưỡng gắn với Ấn Độ giáo thì tháp Chăm ở Bình Định lại tiêu biểu cho sự dung hòa tín ngưỡng giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Những cụm tháp này có sự gắn kết với đời sống của cộng đồng cư dân, phản chiếu một trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự và tôn giáo (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành) và trung tâm thương mại sầm uất (cảng Thị Nại).
Tọa lạc trong khung cảnh thơ mộng tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, cụm tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) được xây vào thế kỉ XII, đứng song đôi đúng như tên gọi của chúng. Tháp có cấu trúc độc đáo bậc nhất của kiến trúc Chămpa cổ với kĩ thuật mài giũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau vững chãi, nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc hình chim thần, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm.
THAP DOI
Tháp Đôi - ảnh: Thu Trinh
Theo hướng Bắc, cách Quy Nhơn khoảng 20 km, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là khu tháp Bánh Ít (còn gọi là Tháp Bạc) được xây dựng vào cuối thế kỷ XI. Cụm tháp Bánh Ít gồm 4 tháp có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị thần linh. Tháp được xây trên ngọn đồi cao nằm ngay bên đường quốc lộ, giữa khung cảnh làng quê thanh bình, quanh năm tràn ngập nắng và gió.
THAP BANH IT
Toàn cảnh khu tháp Bánh Ít - ảnh: Thu Trinh
Về hướng Đông chừng 22 km, tháp Bình Lâm toạ lạc tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước. Toàn bộ cấu trúc tháp cao độ 20m và được chia thành 3 tầng.Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ X đến đầu thế kỉ XI, là một trong những tháp được xây dựng sớm nhất tại Bình Định. Người dân ở đây kể rằng, vào thời đó, thôn Bình Lâm là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ nên đây là nơi có những cư dân người Việt đầu tiên đến khai phá, mở mang.
Đến địa phận thị xã An Nhơn, du khách có thể chiêm ngưỡng tháp Cánh Tiên (hay còn gọi là tháp Đồng) toạ lạc trên một gò đất tại thôn Nam An, xã Nhơn Hậu. Đây là ngôi tháp duy nhất còn lại trong kinh thành Đồ Bàn xưa, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Xét về vị trí và kiến trúc, Tháp Cánh Tiên có ý nghĩa như ngọn núi thiêng (biểu tượng của núi Meru) che chắn cho kinh thành Đồ Bàn, cũng giống như đền núi Bayon giữa đô thành Ăngco Thom  của vương triều Ăngco ở Campuchia cùng thời bấy giờ. Tháp xây dựng vào thế kỉ XII, dáng thanh thoát và đặc sắc với trang trí cầu kì như hình đôi cánh tiên bay lên.
Và cách đó không xa, ở thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, tháp Phú Lốc (còn gọi là Tháp Vàng) được xây dựng vào thế kỉ XII. Tháp toạ lạc trên đồi cao 76m nên vừa mang vẻ đẹp ngạo nghễ nỗi bậc vừa tạo cảm giác cô đơn trơ trọi giữa vùng đồng bằng xanh ngát trù phú.
Đến quê hương của những lò gạch ngói thủ công nổi tiếng nằm trên quốc lộ 19 – tại xã Bình Nghi (Tây Sơn), du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh thoát, trang nhã và đầy kỳ bí của tháp Thủ Thiện.
Đặc biệt, hoành tráng và đồ sộ nhất trong các tháp Chăm còn lại là trên dãi đất miền Trung là khu tháp Dương Long (tháp Ngà) được xây dựng vào cuối thế kỉ XII, tọa lạc tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Tháp giữa cao 42m, hai tháp hai bên cao 38m. Thân tháp xây bằng gạch, các góc được ghép từ những tảng đá lớn chạm khắc tinh xảo. Nửa phần trên của tháp gồm các khối đá lớn xếp chồng lên nhau. Hình tượng được khắc trên các góc là chim thần Garuda, dơi, đại bàng... Các bức tường được trang trí hình lá, cảnh múa hát, hình tu sĩ đầu to đội mũ chỏm cao...  Các đề tài chạm khắc trên tháp Dương Long cũng có các hình thú như voi, sư tử đang đùa giỡn, phía bên trong toà tháp cũng là những tu sĩ đang ngồi thiền.
Hầu hết toà tháp có cấu trúc nhỏ dần về phía đỉnh và kết thúc bằng một đoá sen đang nở. Vòm cửa có hình quái vật Kala khạc ra rắn bảy đầu, bộ diềm mái được nghệ nhân khắc nhiều hoa văn với cảnh trí rất phong phú, đa dạng. Những bức chạm khắc của tháp Dương Long rất tinh tế về nghệ thuật và kỹ xảo. Có thể nói, tháp Dương Long có giá trị nghệ thuật bậc nhất trong số các kiến trúc Chăm thời kỳ này.
THAP DUONG LONG
Tháp Dương Long - ảnh:TTTTXTDL
Trải qua nghìn năm, những ngôi tháp Chăm Bình Định vẫn đứng hiên ngang, hùng dũng như những tượng đài chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật to lớn. Đằng sau những bức phù điêu, đài thờ, vật trang trí, tượng thần, tượng thờ... là cả một không gian đậm chất huyền thoại với những kiến giải trừu tượng nhưng không kém phần sinh động, lãng mạn của con người về sự diệu kỳ của vũ trụ. Đặc biệt, những nghệ sĩ Chăm xưa khi xây nên những ngọn tháp này có lẽ còn vì một lẽ cao hơn những lễ nghi tôn giáo hay sự sùng bái vương triều là họ mong muốn tạo tác nên cái đẹp với niềm tin nó sẽ trường tồn cùng cuộc sống con người.

Tác giả bài viết: Thu Trinh - TTTTXTDLBD

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây