Trong hơn 10 năm qua, Ngành Du lịch Việt Nam đã từng bước tiến hành đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh nhằm tạo ra “cú hích” trong thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, miễn visa hay đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh của Việt Nam vẫn còn chậm và chưa hết rườm rà. |
Du khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam. Ảnh: Dương Ngọc |
Khách du lịch vào Việt Nam hằng năm tăng Trong những năm vừa qua, miễn visa là xu thế chung toàn cầu. Hiện nay, các nước trong khu vực tiếp tục có những chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh hơn nữa để tăng cường thu hút khách du lịch.
Tại Việt Nam, từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã từng bước triển khai các chính sách theo hướng đơn giản hóa thị thực nhập cảnh nhằm thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm và hiệu quả của chính sách này đã thấy rõ. Theo Tổng cục Du lịch, sau khi miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông Nga từ 1-1-2009, số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng 6,9 lần, từ 49.000 lượt lên đến 339.000 lượt, trở thành một trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Tương tự, từ khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông Hàn Quốc vào ngày 1-7-2004, số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam tăng 4,8 lần, từ 233.000 lượt năm 2004 lên 1,1 triệu lượt năm 2015, đứng thứ 2 trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Trung Quốc).
Gần đây nhất, từ tháng 7-2015, Chính phủ đã miễn thị thực nhập cảnh cho công dân mang hộ chiếu phổ thông từ 5 nước Tây Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia trong thời gian 1 năm, đến tháng 6-2016 tiếp tục gia hạn thêm 1 năm, đến 30-6-2017. Trong 1 năm đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đã đạt gần 721.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước đạt gần 508.000 lượt. Đây là mức tăng trưởng rất cao đối với các thị trường xa như 5 nước Tây Âu nói trên.
Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để hút kháchTheo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, một trong những lý do khách ngại lựa chọn điểm đến Việt Nam là do thủ tục làm visa phiền hà, phí đóng visa không đúng quy định. Theo quy định Nhà nước, phí làm visa chỉ có 25 USD nhưng thực tế khách phải chi phí từ 75 đến 100 USD. Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cũng cho hay, để làm thủ tục xin chấp thuận cấp thị thực tại cửa khẩu, du khách cần liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh tại Việt Nam như Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) hoặc Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao) và cầm theo công văn chấp thuận đó để làm căn cứ hoàn tất thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu mà mình sẽ nhập cảnh.
Như vậy, thực chất, thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu chỉ là nhận thị thực tại cửa khẩu vì khách du lịch đã phải làm thủ tục từ trước khi đến Việt Nam và vì vậy mà quy trình này được đánh giá là không thuận lợi với khách du lịch, nhất là khách quá cảnh. Còn theo báo cáo năng lực cạnh tranh Ngành Du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015, du lịch Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số ngành du lịch của 141 nền kinh tế, nhưng về mức độ mở cửa với quốc tế Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132).
Trong khu vực, các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, con số này ở Malaysia là 155, Singapore là 158... Trong khi đó, Việt Nam đến nay mới chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 22 nước.
Không chỉ miễn visa, các nước trên thế giới còn triển khai visa điện tử (E-visa) bởi loại thị thực này có khả năng đảm bảo an ninh tốt hơn, thông tin tương thích, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng. Hệ thống quản lý minh bạch, cập nhật, cả về tài chính và thông tin, giúp giảm các tiêu cực, phiền nhiễu, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch quốc gia. Thực tế cho thấy, triển khai E-visa mang lại nhiều lợi ích. Có thể thấy điều này qua Ấn Độ. Từ khi áp dụng vào tháng 11-2014, Bộ Du lịch nước này đã công bố lượng khách đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước khi áp dụng thị thực điện tử.
Một tín hiệu đáng mừng là vừa qua, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an chủ trì cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai cấp visa điện tử với kinh phí 200 tỷ đồng và thực hiện từ 1-1-2017. Tin tưởng rằng, khi việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh được triển khai, Việt Nam sẽ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.
Lâm Vũ (Theo Hà Nội Mới)