Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

Thứ hai - 30/10/2023 08:15
Sáng 28/10, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”. Mục đích của Hội thảo là nhằm tìm giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ với phát triển du lịch…
Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay” do Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức. 

Tham dự Hội thảo có các vị: Phó giáo sư – Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; PGS.TS Phạm Lan Oanh,Phó Viện trưởng, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển; TS. Đỗ Cẩm Thơ, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; TS. Hồ Minh Mộng Hùng, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất, Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Quy Nhơn; cùng gần 90 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ Viện Khoa học Thể dục thể thao, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Quy Nhơn, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, Công ty TNHH Indo – Pacific Travel, các võ đường, câu lạc bộ  võ cổ truyền…
 

a2
PGS-TS. Nguyễn Đình Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: V.H)

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay” là hội thảo thuộc khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”, đề tài nghiên cứu cấp quốc gia (mã số ĐTĐL-XH-01/21) do TS. Hồ Minh Mộng Hùng làm chủ nhiệm, đơn vị Trường Đại học Quy Nhơn làm chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”, thay mặt Ban Tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền ghi nhận và đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Hội thảo. 
 

a3
Bàn chủ toạ Hội thảo. (Ảnh: Viết Hiền)
Ông Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết: Từ lâu, Bình Định được nhiều người biết đến với danh hiệu “Đất Võ – Trời Văn”. Riêng võ cổ truyền Bình Định đã được vinh danh “Di sản phi vật thể cấp quốc gia” và đang nỗ lực lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận “Di sản phi vật thể thế giới”.
Vì vậy, Hội thảo lần này không chỉ góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới, mà còn góp phần xây dựng mô hình phát triển sản phẩm du lịch võ cổ truyền Bình Định gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định với phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ…
Tiếp đó, thay mặt Ban Tổ chức, TS. Hồ Minh Mộng Hùng đã giới thiệu về nội dung, chương trình Hội thảo “Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”. Theo đó, Hội thảo gồm có 05 chủ đề chính:
- Vai trò và hiện trạng của di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và du lịch tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ;
- Giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và tiềm năng của giá trị tài nguyên võ cổ truyền Bình Định phục vụ phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ;
- Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới.
- Chính sách phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới.
- Mô hình phát triển sản phẩm du lịch võ cổ truyền Bình Định gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định với phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
- Chính sách phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới.
- Mô hình phát triển sản phẩm du lịch võ cổ truyền Bình Định gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định với phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. 
Cũng theo Ban Tổ chức, đã có 15 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý gửi báo cáo tham luận đến Hội thảo. Trong số này có khá nhiều tham luận chất lượng được các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao, như: “Đưa võ cổ truyền Bình Định vào môn học giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục và đào tạo vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” (của PGS.TS. Lê Đức Chương, Ủy viên BCH Võ cổ truyền Việt Nam, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng); “Giá trị lịch sử võ cổ truyền Bình Định (của TS. Phan Văn Cảnh, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn); “Giải pháp phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định gắn với phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” (của PGS.TS Phạm Lan Oanh,Phó Viện trưởng, Viện Văn hoáNghệ thuật Quốc gia Việt Nam); “Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa võ cổ truyền Bình Định trong hội nhập vùng, khu vực và thế giới” (của PGS.TS. Lê Thanh Bình, Nguyên Vụ trưởng, Tham tán công sứ, Trưởng khoa Truyền thông & Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. UVBCH Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam); “Chấn hưng tinh hoa võ thuật Bình Định – Việt Nam với tính cách như là một di sản văn hoá của dân tộc và gợi ý giải hoàn thiện chính sách đối với võ cổ truyền Bình Định trong giai đoạn hiện nay” (của GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển)…
Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thảo còn dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận xung quanh các báo cáo tham luận, đồng thời phát phiếu “Lấy ý kiến Hội thảo”, nhằm xin ý kiến đánh giá về các nội dung Hội thảo..
 

Nguồn tin: Viết Hiền- thuonghieucongluan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây