Cách đất liền TP Quy Nhơn 24 km về phía Đông - Nam, một thời gian dài Cù Lao Xanh là mảnh đất xa xôi cách trở. Giờ, khi biển êm, chỉ cần nửa giờ ngồi canô, ta đã bước chân lên đảo.
Cù Lao Xanh là điểm đến lý tưởng với du khách ưa trải nghiệm, khám phá.
Đảo lại là nhà
Theo tài liệu “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nhơn Châu”, trước năm 1945, toàn xã chỉ có 123 hộ với chưa đầy 500 người. Hiện tại, con số này đã lên 537 hộ với 2.262 nhân khẩu.
Song, sức sống bền bỉ của đất và người Nhơn Châu không chỉ minh họa bằng những con số cơ học. Đi lại khó khăn, địa hình trắc trở, khí hậu khắc nghiệt… cùng sự cạn kiệt của nguồn hải sản đã từng khiến nhiều lao động trẻ kéo nhau tha phương cầu thực. Nay, nhiều người đã quay về, mở hướng làm ăn, gắn bó với quê hương, để Cù Lao Xanh không còn là “đảo của người già”.
Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Phan Văn Binh dẫn chứng, trước đây, mặt biển quanh đảo chưa được tận dụng tốt để nuôi trồng thủy hải sản. Những năm gần đây, trải qua nhiều cơn bão lớn nhưng lồng bè vẫn an toàn. “Bà con rủ nhau về. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có 32 hộ với hơn 120 lồng, bè nuôi tôm hùm bông, tôm xanh, tôm sỏi đỏ, mực lá... Tổng giá trị đầu tư ước tính trên 10 tỉ đồng”, ông Binh vui vẻ cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế cũng bắt đầu phát huy hiệu quả ở nơi này. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2018, Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn hỗ trợ 220 triệu đồng cho 15 hộ dân thí điểm nuôi tôm phi xanh, vốn đối ứng của các hộ là 216 triệu đồng. Mô hình bước đầu được đánh giá là phát huy hiệu quả, sẽ được tiếp tục nhân rộng.
Cùng với sự khởi sắc trong đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng như nhà làm việc, nhà khách của UBND xã (với kinh phí hơn 7,4 tỉ đồng), Trung tâm VH-TT xã (hơn 5,4 tỉ đồng)...
Đi đôi với xây dựng cơ bản, công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, để bộ mặt của xã đảo ngày càng khang trang, sạch đẹp. “Chúng tôi duy trì đội thu gom rác ở 3 thôn hoạt động thường xuyên, rác sinh hoạt của nhân dân được thu gom và tập trung xử lý đúng nơi quy định. Đồng thời, đặt thùng rác nhựa dọc tuyến đường từ trụ sở UBND xã đến thôn Đông để thu gom rác của người dân và du khách. UBND xã còn phối hợp với Mặt trận và các hội đoàn thể ra mắt 2 mô hình tự quản về vệ sinh môi trường ở khu dân cư”, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Đặng Văn Khánh cho hay.
Đường đến Cù Lao Xanh đã gần hơn với những chiếc canô cao tốc.
Để là “thiên đường” giữa biển khơi
Khoảng 3 năm trở lại đây, Cù Lao Xanh được du khách khắp nơi biết đến với nhiều ưu thế trong phát triển du lịch. Đó là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, rất “hợp gu” với những người thích trải nghiệm, khám phá. Danh sách điểm đến hấp dẫn, ngoài ngọn hải đăng, bãi đá, rạn san hô… nay còn có thêm Cột cờ Thanh niên hiên ngang trên đảo.
Công ty TNHH Quynhon Land là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức tour du lịch đến Cù Lao Xanh. Cuối năm 2016, công ty dành 2 canô 16 chỗ cho tuyến Quy Nhơn - Cù Lao Xanh. Thời gian đầu, trung bình mỗi ngày chỉ chạy 1 chuyến; nay thì cuối tuần, dịp lễ lên đến 6 - 7 chuyến/ngày, từ bờ ra đảo chỉ mất nửa giờ đồng hồ.
“Lượng khách ngày càng tăng nên chúng tôi đang đặt mua thêm 1 tàu chuyên dụng 25 chỗ dành cho tuyến cố định Quy Nhơn - Cù Lao Xanh. Đồng thời, triển khai xây dựng homestay có 12 phòng với sức chứa khoảng 60 khách. Sân thượng của homestay sẽ làm bar để du khách giải trí ban đêm. Chúng tôi còn đầu tư cho mặt hàng lưu niệm là quả cầu tuyết có hình hải đăng đặc trưng, chỉ bán cho du khách đến Cù Lao Xanh”, Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Tài chia sẻ.
Bên cạnh các đơn vị lữ hành, người dân trên đảo cũng bắt đầu quan tâm hơn đến du lịch. Toàn xã hiện có 5 đò chở khách, với tổng công suất 928 CV. Một số hộ nhanh chân nhanh tay sơn sửa, cải tạo nhà mình thành homestay để phục vụ du khách.
Theo số liệu của UBND xã Nhơn Châu, 8 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 2.500 lượt du khách đến đảo; trong khi con số của cả năm 2017 chỉ mới 1.700 lượt. Nhiều dịch vụ dân dã lẫn hiện đại ra đời, như tour xe điện đi vòng quanh đảo, chèo thuyền thúng lặn ngắm san hô, câu mực đêm, diễn bài chòi... “Dù vậy, dịch vụ du lịch ở Cù Lao Xanh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là về đêm khuya. Chưa có điện lưới quốc gia cũng là một trở ngại lớn”, ông Phan Văn Binh tâm sự.
* * *
Những du khách tôi gặp đều chung một nhận định rằng, thứ mà họ tìm kiếm và đã có được ở Cù Lao Xanh chính là cảm giác yên bình không dễ thấy ở phố thị ồn ào. Thiên nhiên tươi đẹp và lòng người chân chất đã níu chân du khách thập phương.
Buổi chiều cuối tháng 8, tôi lang thang trên đảo. Người phụ nữ bán nước mía cạnh UBND xã tất bật ép mía nhưng vẫn tươi cười trò chuyện với khách. Trong hơi gió mặn mòi của biển, ly nước mía trên đảo sóng sánh, ngọt lịm, chân chất như nếp sống của những dân chài bao năm qua...