Quy Hòa – Điểm đến nhiều cảm xúc

Thứ tư - 05/04/2017 09:26
Nằm trong lòng thành phố nhưng người ta vẫn gọi là làng Quy Hòa bởi bao đời nay cái tên ấy đã trở nên quen thuộc, luôn ẩn chứa với những điều giản dị, đời thường nhất.
Quy Hòa – Điểm đến nhiều cảm xúc

 Xuôi theo con dốc thoai thoải cách trung tâm thành phố chừng 3km, tôi về thăm lại Quy Hòa vào một ngày lộng gió. Gió mênh mang khắp nẻo đường, thổi qua những nếp nhà, qua hàng cây kẻ lá, qua tiếng cười giòn tan trên môi trẻ thơ. Và tiếng sóng biển như đang thì thầm đưa tôi tìm về một miền ký ức…

Năm 1929, linh mục người Pháp Paul Maheu (1869-1931) đã nhận ra đây là vùng đất thích hợp để xây dựng khu điều trị cho những người bị bệnh phong và cái tên Quy Hòa ra đời cũng mang ý nghĩa như một ước vọng thiêng liêng từ đó.

Trước kia, nơi đây bị xem là thế giới đau khổ của những mảnh đời bất hạnh mắc một trong tứ chứng nan y. Thế giới ấy như được lột tả hết sức chân thực, khoắc khoải trong câu thơ của Hàn Mặc Tử: "Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng/ Một vũng cô liêu cũ vạn đời". Nhưng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, có lẽ linh mục Pau Maheu không thể hình dung được hơn 80 năm sau, thung lũng này đã trở thành một "xã hội thu nhỏ" nuôi nấng, che chở bao thế hệ. Và thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng không thể ngờ cái "thế giới riêng" ấy giờ đây đã chất đầy những giá trị nhân văn, nhân ái cao cả hơn hết thảy, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách.

Bức tranh thiên nhiên xinh đẹp, nhiều màu sắc

Quy Hòa có diện tích khoảng 60ha, nằm trong thung lũng ba bề là núi và cây xanh bao phủ ôm chặt ngôi làng nửa vầng trăng, mặt hướng ra biển yên bình sóng vỗ. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng nằm sát bờ biển dài đẹp như nét vẽ hàng mi cong vút của người thiếu nữ. Những ngôi nhà nhỏ xinh xinh lấp ló sau những vườn cây, rặng dừa, được tô điểm bởi hàng phi lao cao vút, cát, nắng vàng và muôn màu hoa khoe sắc.

Đến Quy Hoà, bạn sẽ cảm nhận một bầu không khí trong lành khó tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Cảnh sắc thiên nhiên như bao phủ một màu xanh non mơn mởn của núi đồi, cây cỏ. Ngồi dưới những hàng dương đung đưa đón làn gió biển thổi vào mát rượi hòa lẫn tiếng chim ríu rít hót, ngắm nhìn từng đợt sóng vỗ nhẹ ôm ấp bờ cát dài, trắng mịn óng ánh trong nắng như được pha lẫn vô số viên kim cương. Và biển phản chiếu màu trời trong xanh vời vợi như mời gọi những bước chân lữ khách. Quy Hòa lặng lẽ, đẹp dịu dàng và kín đáo đúng như người ta thường ví là một góc khuất nhỏ, một nốt chấm lặng của thành phố.

Những công trình kiến trúc độc đáo

Năm 1932, một trận bão lớn đã thổi bay những ngôi nhà tranh vách đất cũ. Ông Charles Antoine - Giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ cùng những Sơ phụ tá đã xây dựng lại khu điều trị và gần 300 ngôi nhà kiên cố dành cho người bệnh. Những ngôi nhà mang nét kiến trúc cổ kính của Pháp do một nữ tu cũng là kiến trúc sư tên Ozithe thiết kế. Ðiều đặc biệt là, mỗi mẫu nhà được thiết kế khác nhau ẩn dưới hàng cây xanh trầm mặc như chứa đựng sự thấu hiểu, đồng cảm nỗi đau của những người bệnh và toát lên niềm ước vọng lớn lao trong tâm hồn. Trước năm 1980, những định kiến về căn bệnh đã khiến cuộc sống của người dân Quy Hòa bị tách biệt với thế giới bên ngoài, người bệnh mặc cảm, tự ti và thu mình trong một thế giới khép kín. Vì vậy, sự ra đời của khu điều trị phong Quy Hòa lúc bấy giờ đã trở thành chốn cưu mang, cứu vớt cho biết bao thân phận bất hạnh. Mặc cho thời gian và bom đạn chiến tranh tàn phá, Quy Hòa vẫn bảo tồn được nguyên vẹn phần lớn kiến trúc cho đến ngày nay.

Hồi ức về một bậc lương y

Năm 1984, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn được điều vào Quy Nhơn, làm Giám đốc trại phong Quy Hòa (sau này là Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa). Tại đây, ông rất đau lòng khi giữa một vùng biển đẹp, núi non hữu tình, gió bao la hào phóng lại bao phủ một sắc màu ảm đạm, bi thương đến tận cùng bởi tiếng khóc than bất lực với sự sống. Chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn, dày vò thể xát, ông không chỉ tận tình, quan tâm cứu chữa bằng tất cả lương y của người thầy thuốc mà còn luôn ở gần động viên, an ủi, tạo mọi điều kiện để người bệnh sống tốt, an tâm điều trị. Hiểu được nỗi khổ đau, mặc cảm của những người bệnh bị xã hội xa lánh, gia đình ruồng rẫy, ông cũng chính là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã tự tiêm vi khuẩn bệnh phong Hansen vào người để chứng minh cho mọi người biết nếu hiểu bệnh, bệnh sẽ không lây và có thể chữa khỏi.

image001\

 Vốn là người lãng mạn, yêu nghệ thuật lại có tư tưởng thoáng, nên bác sĩ Ngoạn đã lên ý tưởng xây dựng khu vườn tượng với khoảng 40 bức tượng ghi lại chân dung các danh nhân y học trên thế giới như A.Yersin, L.Pasteur,  Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,  Tôn Thất Tùng…. Mỗi khuôn mặt hiện lên sống động, toát lên vẻ đăm chiêu như chung một nỗi niềm trăn trở. Hơn cả ý nghĩa ấy là sự trân trọng giá trị vĩnh hằng của những con người mà cuộc đời của họ là những bài học lớn về nhân cách, về y đức, lòng kiên nhẫn và sự lao động không ngừng nghỉ để mở ra chân trời khoa học mà con người ngày nay thụ hưởng. Đặc biệt, ông cũng xây dựng một sân khấu để thúc đẩy đời sống văn nghệ cho cán bộ trại và người bệnh. Đối diện với sân khấu còn có một cây violon ở tư thế nằm ngửa, đủ để cho hơn chục người khiêu vũ trên mặt đàn. Ông từng bảo: “Với tôi, y học không những là khoa học, mà còn là cả một nghệ thuật”.

Nửa thế kỷ sống gần gũi và cứu chữa người bệnh phong, từng là Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An) và Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (Bình Định) nên ông được người đời “phong” cho rất nhiều biệt hiệu: “Bác sĩ thích dây vào hủi”, “Người của người bất hạnh”, “Người của lòng nhân ái”, “Người xúc cảm với bệnh nhân phong”... Gần cả cuộc đời hi sinh hạnh phúc riêng tư tận tâm với nghề là thế, giàu lòng nhân ái, yêu thương là thế nhưng người bác sĩ ấy luôn giữ mình sống thanh bạch giữa đời thường, không màng danh lợi, không nhận bất cứ tặng vật hay bằng khen nào. Nhất là vào tháng 8 năm 1995, khi Liên Hiệp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn ông để trao giải thưởng quốc Tế Ghandi thì ông đã một mực chối từ. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với vở kịch nổi tiếng mang tên “Loài hoa bất tử” đã dựng lại chân thực hình ảnh nhân vật là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn. Vở kịch ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của một người bác sĩ đã tuyên chiến với vi khuẩn Hansen và tấm lòng của ông với nghề, với người bệnh. Ông đã sống, đã cống hiến như một bông hoa luôn tỏa hương thơm ngát mặc giữa bầu trời gió xoáy và nhiều áng mây đen. Có lẽ vì thế mà Quy Hòa được nhiều tổ chức y tế quốc tế đánh giá cao bởi thành tích xóa dần nỗi e ngại, lấp dần hố sâu ngăn cách giữa thế giới người phong với xã hội bên ngoài.

Một hồn thơ tài hoa bạc mệnh

Mỗi khi nhắc đến Quy Hòa, người ta lại nghĩ ngay đến thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong những ngày cuối đời, ông đã đến Quy Hòa như tìm cho mình một chốn nương náu, gửi gắm tâm hồn đơn độc. Nắng trải đầy trên con đường hoa giấy đỏ hồng phủ trùm trên những tán lá xanh đưa tôi về thăm căn phòng nhỏ nơi Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại những nỗi đau trần thế. Nhiều người khi ghé thăm căn phòng đặc biệt này không khỏi bồi hồi, thương cảm cho một tài năng trẻ sớm lìa xa cõi đời:

image003\

Một mai kia ở bên kia nước ngọt

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

 Đến hôn anh và rửa vết thương tâm...

Vẫn còn đó chiếc giường nhỏ với manh chiếu cói, những tập thơ và cả bút tích để lại, khung cửa sổ với những họa tiết hình cánh buồm, ánh trăng nhìn ra bên ngoài là cây hoa giấy sắc hồng rực rỡ. Hình ảnh gia đình, các anh chị em cùng những người tình trong thơ Hàn Mặc Tử được lưu giữ cẩn thận. Một số bài thơ, bức tranh của các văn nghệ sĩ cùng thời hay hậu thế cũng được trưng bày tại căn phòng nhỏ. Ngoài ra, ở sườn núi phía bắc của Quy Hòa vẫn còn một di tích nhỏ nơi an táng nhà thơ lần đầu tiên trước khi được cải táng ra Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa như trang đời và trang thơ còn dở dang. Những gì còn lại thật sự xót xa vì tất cả đều nhỏ bé, cũ kỹ so với tài năng của một trong những thi sĩ hàng đầu của văn đàn Việt Nam nhưng âu đó cũng là tấm lòng thương cảm của thế hệ sau dành cho ông. Lòng quặng thắt bỗng tôi nhớ đến câu hát trong "Chiều Quy Hòa nhớ Hàn Mặc Tử" của Phạm Việt Long: Người đi biền biệt hồn không mấtBiển cạn, trời nghiêng vẫn vẹn tình...

Nắng về rực sáng tương lai

Ngày nay, Quy Hòa là điểm đến cho những ai muốn tìm kiếm sự thư thả, bình yên trong tâm hồn. Trưa, nằm đong đưa trên cánh võng dưới bóng mát của rừng dương, thả lòng lắng ghe biển hát, nghe tiếng gió vi vu trên mắt lá như cảm nhận được bàn tay thiếu nữ nhẹ nhàng nhảy nhót trên phím đàn. Rồi sải bước trên con đường trải bêtông xanh mát bóng dừa, bạn sẽ gặp rất nhiều nụ cười trìu mến hồn hậu. Chiều xuống, đám trẻ con hồn nhiên vui đùa cùng sóng biển, có người vợ dắt con ra biển đón chồng về… Bạn sẽ thấy cuộc sống quanh ta thật đẹp và ý nghĩ biết bao, hạnh phúc đến từ những điều đơn giản là được sống, được yêu thương, sẻ chia.

image005\

Không chỉ có thế, Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) được xây dựng với diện tích 18,4 ha nằm sát bên bờ biển Quy Hòa hoang sơ, xinh đẹp nối liền dãy núi chập chùng, ghềnh đá cheo leo, cây cối xanh tươi trùng điệp đã đánh dấu sự phát triển đầy tiềm năng và hứa hẹn sẽ tỏa sáng một nền khoa học lớn trong tương lai trên của mảnh đất này. Công trình do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đầu tư, mà người sáng lập và điều hành là Giáo sư Trần Thanh Vân đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng gồm nhiều hạng mục: Không gian hội nghị, không gian đào tạo, khu bảo tồn sinh vật, tổ hợp nhà hàng, khách sạn phục vụ cho các nhà khoa học dự hội nghị, bể bơi, khu năng lượng mặt trời. Đây sẽ công trình tiêu biểu nhất cho loại hình du lịch khoa học và giáo dục. Được biết, Công trình do Studio Milou architecture thiết kế đã xuất sắc giành Giải Hội đồng thể loại Tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài. Hiện mới hoàn thành giai đoạn I vào năm 2013 nhưng trong hai năm qua, ICISE đã trở thành hạt nhân phát triển khoa học, tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham dự của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có cả những nhà khoa học đạt giải Nobel. Vì thế, hy vọng một ngày không xa, nơi đây không chỉ phục vụ cho nhu cầu giao lưu, gặp gỡ của giới khoa học trong và ngoài nước mà còn là đầu mối kết nối giữa các nền khoa học trẻ ở Châu Á với các trung tâm tri thức lớn trên thế giới, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.

Đặc biệt, dự án Tổ hợp Không gian khoa học đang được xây dựng gồm ba hạng mục chính: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài thiên văn phổ thông sẽ là một không gian khám phá khoa học hấp dẫn, nhằm đưa khoa học đến với đại chúng, khơi nguồn đam mê khoa học, sáng tạo của tuổi trẻ. Trên tinh thần đó, tổ hợp này sẽ phát triển thành khu Đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa, góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn thành điểm đến của khoa học và giáo dục đặc trưng ở Việt Nam.

Đã qua rồi những tháng ngày phải đấu tranh dành giật tìm sự sống trong niềm bi thương, tuyệt vọng. Quy Hòa hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới đủ sắc màu, tự tin sải bước trên con đường tươi sáng, rộng mở. Vầng dương chiếu soi rực rỡ tự lúc nào!

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây