Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại ấp Tây Sơn, làng Kiên Mỹ, huyện Bình Khê, (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã dựng cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo” và kể tội Trương Phúc Loan trong lời hịch truyền đi khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa được các tầng lớp nhân dân Kinh, Thượng nhanh chóng hưởng ứng.Từ cuộc khởi nghĩa này, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ XVIII.
Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài đã từng chỉ huy nghĩa quân đánh thắng quân xâm lược Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785. Bốn năm sau, năm 1789, ông chỉ huy đánh tan 29 vạn quân Thanh trong trận Đống Đa vào trưa ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), sau đó cùng tướng sĩ tiến vào thành Thăng Long.
Không chỉ là bậc thiên tài về quân sự, Quang Trung còn là một nhà chính trị sáng suốt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, ông đưa ra nhiều chủ chương như: khoan thư sức dân, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa dân tộc. Nhưng tiếc thay, khi đất nước đang trên đà chuyển mình thì ngày 16 tháng 9 năm 1792, ông đột ngột từ trần, khi mới 39 tuổi.
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán, khi những cành đào xuân còn đang độ đâm lộc, nở hồng thì người Hà Nội đều nô nức đổ về phía Tây Nam thành phố, đến Gò Đống Đa (thuộc quận Đống Đa) dự hội. Đây là lễ hội mừng chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta do Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo. Để chuẩn bị cho ngày hội, ngay từ trước tết Nguyên Đán, Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, triển khai công tác chuẩn bị cho các chương trình Lễ hội, sắp xếp chỉnh trang quanh các điểm diễn ra lễ hội; bao sái, lau chùi đồ Tế Khí, đồ thờ; treo cờ hội, trang trí băng rôn, khẩu hiệu….
Trước kia, lễ hội Đống Đa đồng thời diễn ra trên nhiều địa điểm như: Đình Khương Thượng, chùa Bộc, chùa Đồng Quang, gò Đống Đa.Từ chiều mùng 4 tết, vị Chủ tế cùng một Cụ Từ ở đình Khương Thượng đã chuẩn bị các đồ thờ (Kiệu, Lọng, Cờ, Bát bửu…) cho lễ rước ngày hôm sau. Sau đó, hai người cùng sang chùa Bộc thắp hương trước bàn thờ tượng vua Quang Trung – bức tượng được nhân dân gìn giữ và bảo vệ an toàn qua nhiều biến cố lịch sử.
Tinh mơ sáng mùng 5 tết, cửa đình Khương Thượng mở rộng, khói hương thơm ngát tỏa lan, lá cờ Đại cao nhất trước đình bay phấp phới chào mừng ngày hội lớn. Cờ Ngũ Hành cắm la liệt quanh sân đình. Sáng rõ mặt người, bô lão và chức sắc trong làng đã tề tựu đông đủ.Cuộc đại lễ bắt đầu bằng lễ tế Thần. Sau khi hoàn tất dâng 6 tuần rượu, đám rước Thần mừng chiến thắng khởi hành từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa. Cờ, Biểu, Tàn, Tán, Lọng, Kiệu và Quân Gia đã sẵn sàng. Quân Chấp kích, Quan viên người nào việc ấy, gọn gàng trong trang phục lễ hội, chờ lệnh. Bắt đầu bằng 3 hồi 9 tiếng trống âm vang báo hiệu cho lệnh xuất quân, đám rước lên đường. Dẫn đầu là cờ Tiết Mao, biểu hiện uy đức thần linh. Tiếp theo là cờ Ngũ Hành, cờ Tứ Linh. Các chân cờ đều đội Nón Dấu, Áo Màu, Nẹp Đỏ, thắt lưng Bó Que. Tiếp là hai thanh niên vác hai biển Tĩnh Túc và Hồi Tị gìn giữ an ninh trật tự. Sau Cờ, Biển là Trống Cái do hai người khiêng. Hiệu Trống, Hiệu Chiêng điểm nhịp từng tiếng một. Các Chấp Kích đi liền sau đó, Phường Nhạc hòa cùng tiếng Thanh La, Trống Bản, Sênh Tiền nghe thật vui tai. Rồi đến Kiệu Long Đình do bốn người khiêng, mùi trầm tỏa hương thoang thoảng. Hai bên long đình có hai Lọng Vàng che.
Nối theo là hàng bô lão, chức sắc chậm rãi bước đi trong bộ lễ phục như một lực lượng hộ tống tạo nên quang cảnh trọn vẹn mang ý nghĩa lịch sử và gây ấn tượng sâu đậm về sự trân trọng trong thái độ ứng xử đối với người anh hùng dân tộc. Dân làng đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ con đi theo đoàn rước suốt cuộc hành trình, hồn nhiên và sảng khoái.
Đám rước dài, trật tự, uy nghiêm, rực rỡ sắc màu, diễu hành chậm rãi mang tính hoành tráng của lễ mừng chiến công.
Rộn rã nhất là đám đi sau cùng với “Con rồng lửa” của thanh niên hai làng Khương Thượng và Đồng Quang bện bằng nũi rơm, mo nang và giấy bồi, trang trí bằng nhiều màu sắc sặc sỡ. Vừa đi, vừa múa theo nhịp Sênh Tiền. Một tốp thanh niên mặc võ phục đi quanh con rồng lửa, biểu diễn côn quyền như thể tái hiện cuộc chiến đấu đã qua.
Đám rước tái hiện những hình ảnh hào hùng của trận tấn công mùa xuân Kỷ Dậu của nghĩa quân Tây Sơn.
Trong khi đó, ở chùa Đồng Quang, đối diện với gò Đống Đa, qua trục đường Tây Sơn cũng khói hương nghi ngút cùng tiếng mõ, lời cầu kinh, cầu hồn cho anh linh của nghĩa quân tử trận sớm được trở về cố quốc. Ở đây cũng làm lễ cúng cháo thí cho cô hồn như một hành động nhân nghĩa, đạo đức truyền thống của nhân dân ta.
Còn chùa Bộc lúc này nhân dân cũng dâng hương hoa tưởng niệm vua Quang Trung trước bức tượng Ngài.
Ngày nay, lễ hội gò Đống Đa được tổ chức trọng thể tại Công viên Văn hóa Đống Đa. Từ sáng sớm ngày mùng 5 tết, trên khắp các ngả đường về gò Đống Đa đã đông kín người trẩy hội.
Ngày nay, đi dự hội Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Lễ hội là dịp sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp nhân dân thủ đô nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ công ơn đối với người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng như những cống hiến của ông đối với lịch sử đất nước và lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Lễ hội gò Đống Đa còn là dịp để người dân, du khách cùng ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, khơi gợi tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm vui chơi dịp đầu năm mới tại Đống Đa, Hà Nội thì có thể sắp xếp lịch trình để tham dự Lễ hội Gò Đống Đa, bạn sẽ có cơ hội được hòa mình trong bầu không khí náo nhiệt của lễ hội đặc sắc này.
Nguồn tin: Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa - godongda.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn