Du khách đi tour của Công ty DL Golden Life tham quan di tích thành Hoàng Đế (TX An Nhơn) bằng xe ngựa.
Chấn chỉnh dịch vụTại phiên họp thường kỳ tháng 5.2018 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng cho biết, lĩnh vực du lịch đạt mức tăng trưởng tốt và đều ở các địa phương trong tỉnh. Riêng với phát triển du lịch biển gắn với tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, hiện đã có thêm 5 dự án đầu tư resort, du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ở các khu vực có dự án, việc xử lý lồng, chồ rớ đánh bắt thủy sản của ngư dân để tạo cảnh quan du lịch biển - nhất là khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) - vẫn chưa hiệu quả.
Cùng với đó là nỗi lo ngư dân khai thác ven bờ, tác động đến môi trường du lịch. “Phát triển du lịch biển về phía Nam thì tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu là trọng điểm, đòi hỏi phải có quy hoạch cụ thể trong phát triển thủy sản ở khu vực này. Cần có sự quan tâm, chủ trương, chính sách, hay đề án để vừa đảm bảo điều kiện sống của người dân, mà không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, môi trường du lịch”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, công tác quản lý về phương tiện vận tải cũng cần được quan tâm hơn. Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, Sở đã báo cáo và UBND tỉnh có chỉ đạo xử lý hoạt động taxi chèo kéo khách ở sân bay Phù Cát; đồng thời, chấn chỉnh tình trạng taxi “dù”, ô tô “đội lốt” xe du lịch vận chuyển hành khách. Còn với xe vận chuyển khách du lịch phục vụ du lịch nội thành Quy Nhơn phải gắn biển hiệu rõ ràng để tránh “lập lờ đánh lận con đen” thì đến nay, hầu hết DN chỉ dừng ở việc… xin cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng. “Hiện chưa có cơ chế ưu tiên rõ ràng cho các xe khi có “biển hiệu” hợp đồng du lịch. Sở GTVT sẵn sàng phối hợp với Sở Du lịch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN thực hiện đăng ký”, ông Ái cho biết.
Trước thực trạng nói trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng yêu cầu Sở GTVT và Sở Du lịch phối hợp quản lý chặt chẽ, cùng tìm cách giải quyết trên cơ sở tạo điều kiện hoạt động, nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các DN, phương tiện vận tải không đăng ký nhưng lại hoạt động kinh doanh du lịch...
Không để thất thoát thuếCùng với sự phát triển du lịch thời gian qua, một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra trong quản lý du lịch là đảm bảo không thất thoát nguồn thuế phát sinh từ các dịch vụ.
Ngày 16.5.2018, UBND tỉnh ra Chỉ thị về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở TT&TT phối hợp các ngành Công Thương, Thuế, CA xây dựng phần mềm “Quản lý lưu trú trực tuyến”, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước theo hướng hiện đại.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cuối tháng 5 vừa qua, Sở TT&TT và Cục Thuế tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn phần mềm quản lý thuế lưu trú du lịch cho các DN. Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế xin ý kiến chỉ đạo từ địa phương để triển khai ứng dụng phần mềm này; riêng TP Quy Nhơn đã vận hành phần mềm riêng cho địa bàn này từ năm 2017.
Còn Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi thì bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng giá vé tham quan tại một số khu du lịch không rõ ràng, minh bạch, dẫn đến người dân và khách du lịch có nhiều thắc mắc, hoài nghi và không hài lòng. Trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính, UBND tỉnh quyết định bổ sung dịch vụ giá vé tham quan (vé vào cổng) các điểm du lịch, khu du lịch vào danh mục hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện kê khai giá đối với 7 tổ chức, DN trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là quản lý giá cả trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả, dần đi vào nền nếp, hạn chế việc tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính của các tổ chức, DN. Đồng thời, giúp ổn định thị trường giá vé tham quan, vé vào cổng các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn tỉnh và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
Theo Sở Du lịch, 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đón hơn 1,7 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế hơn 100 ngàn lượt, tăng 10,4%; khách nội địa hơn 1,6 triệu lượt, tăng 10,3%. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỉ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ.