Ðầm Trà Ổ - Ðây miền cổ tích

Thứ ba - 11/12/2018 10:58
Bạn đang tìm một nơi để thư giãn cuối tuần, tạm xa phố thị ồn ào - trải nghiệm homestay ở đầm Trà Ổ là một gợi ý thú vị.
Ðầm Trà Ổ - Ðây miền cổ tích
 
Đầm Trà Ổ (hay còn gọi là đầm Châu Trúc, đầm Bàu Bàng) là một đầm nước lợ tự nhiên nằm ở phía Đông Bắc huyện Phù Mỹ.
Đêm cổ tích trên đầm
Từ TP Quy Nhơn, tôi đón chuyến xe khách cuối ngày về huyện Phù Mỹ. Đón tôi ở ngã ba Bình Dương là người bạn cũ là dân địa phương. Chị đưa tôi về thẳng thôn Chánh Khoan Đông (xã Mỹ Lợi, một trong 4 xã quanh vùng đầm Trà Ổ), nghỉ tại nhà bạn - homestay Dư Ngâu. Chị khuyên tôi nên đến vào buổi chiều và nên ở qua đêm, rong chơi trên mặt đầm, cùng đánh cá với ngư dân mới cảm nhận trọn vẹn chất vùng quê sông nước.
Hoàng hôn buông xuống, mặt đầm nhuộm vàng bóng nắng, trên những chiếc sõng nhỏ, chồng chèo chống, vợ buông lưới, bên kia những nếp nhà, khói lam chiều vấn vít, nhịp sống của vùng đầm đang bắt đầu. Chúng tôi cũng chèo sõng ra đầm buông lưới, thả câu... Giữa tĩnh lặng hoàng hôn tôi hình như đang ở trong một vùng cổ tích.
Nắng tắt! Và lần lượt mặt đầm “lấp lánh sao đêm” - ánh sáng trên những chiếc thuyền của người dân. Gác mái chèo, tôi thả mình trên sõng, nhìn trời đêm, nghe tiếng mái chèo gõ mạn thuyền đuổi cá, tiếng hát ngọt của ai đó từ chiếc thuyền phía xa... Từ bao giờ chẳng biết bao muộn phiền, lo lắng trong tôi đã tan biến.
hh2
Trên đầm Trà Ổ. Ảnh Nguyễn Sa Huỳnh
Trời ló sáng, trên mặt nước mờ hơi sương, chúng tôi lại ra đầm thu lưới - những con cá rô phi, cá chép, cá thác lác quẫy trong lưới, “gai đờ” của tôi gỡ nhẹ nhàng, đặt vào chiếc giỏ tre mở sẵn. Đem mớ tôm, mớ cá vừa thu được ra chợ để đổi thêm ít rau, mớ thịt cho bữa trưa tại nhà. Chợ sáng lao xao, những giỏ tre đầy tôm, cá, tươi rói, nhảy đành đạch... hòa cùng tiếng nói, tiếng hỏi thăm nhau “hôm qua cá vào lưới nhiều hay ít, chỗ đó nước nông sâu thế nào, sao mấy bận này rong lên giữ quá”.
Chợ tan, ai về nhà nấy. Các mẹ, các chị lo vào bếp chuẩn bị bữa cơm; các ông, các chú tranh thủ xem lại tấm lưới, ngó xem chiếc sõng, nghỉ ngơi để dành sức cho một ngày mưu sinh khi chiều xế.
Điểm đến hấp dẫn
Trước khi về nhà, chúng tôi tạt ngang vô quán bún nhỏ ven đường thưởng thức đặc sản vùng đầm - bún tôm, rạm. Tô bún nhỏ với sợi bún tươi vừa mới vắt, chan vào ít nước lèo, trộn đều với tôm dã nhuyễn, thêm chút ớt bột, ít bánh tráng gạo. Ngon không tả được, phải ăn mới thấm, phải ăn đúng quán bún tôm, rạm ở quê mới đúng điệu bún tôm Phù Mỹ!
hh3
Nhịp sống trên đầm bắt đầu khi hoàng hôn buông xuống
Bạn dẫn tôi khám phá cù lao giữa đầm, nơi chỉ có khoảng 10 hộ dân sinh sống, nơi có vườn xanh, cây trái; bạn dẫn tôi đi bộ giữa đường quê với hàng dừa đung đưa. Đi qua những vườn rau xanh non, tới thăm làng bí đao khổng lồ nức tiếng ở Mỹ Thọ. Hay ghé vào thăm làng nghề dệt chiếu cói Mỹ Thắng, làng nghề se sợi xơ dừa Chánh Khoan Đông (Mỹ Lợi)... Một hồi dạo chơi, ngồi dưới bóng mát hàng cây, uống nước dừa mới hái, nghe gió đầm thổi vào mát rượi, cảm nhận vùng quê thanh bình như thế.
Khi bạn tôi mở công ty du lịch, mở homestay ở vùng đầm - nhiều người địa phương chép miệng nói “điên rồ”. Nhưng theo bạn rong ruổi trên đầm, trò chuyện với người dân, thăm thú làng nghề… tôi tin sẽ chẳng bao lâu nữa đâu, ở Trà Ổ rồi sẽ nhiều người “điên” như chị bạn tôi. Điện thoại của bạn “tít tít”, kiểm tra mail xong, bạn khoe, đã có đoàn khách Tây “đặt lịch” về chơi Tết rồi. Bạn sẽ trồng thêm sen, sửa sang lại vườn, hoàn thiện phòng ốc, sắm thêm vật dụng... Bạn tôi vui vì có thêm dịp, thêm nhiều cơ hội để khoe với mọi người Trà Ổ tuyệt diệu của bạn.
* Từ TP Quy Nhơn tới đầm Trà Ổ mất khoảng 60 - 120 phút. Bạn có thể đi xe máy hoặc xe khách, theo QL 1A đến thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ - rẽ phải ở ngay ngã 3 theo hướng từ thị trấn về xã Mỹ Lợi.
* Bạn có thể đi theo hướng dẫn chi tiết trên bản đồ, liên hệ tìm người địa phương dẫn đường, hoặc mua tour du lịch trải nghiệm homestay đầm Trà Ổ từ Công ty du lịch Bình Long Travel (3 Nguyễn Huệ, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, điện thoại: 0909 922 230). Ðến thăm làng nghề, bạn có thể trải nghiệm sinh hoạt của người dân, tham gia vào cung trình sản xuất...; chi phí tham quan làng nghề 10.000 đồng/người/lượt.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây