Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch cùng các văn bản có liên quan” do Sở Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.
Tham dự Hội nghị có các vị: Lê Mạnh Phi, Phó Chánh Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Bình Định; Đại uỷ Phạm Hồng Vi, Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh Bình Định; 180 đại biểu đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Định, Phòng Văn hoá – Thông tin TP. Quy Nhơn, UBND các phường của TP. Quy Nhơn; cùng các tổ chức, cá nhân, đại diện doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, khu du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm, hướng dẫn viên du lịch… trên địa bàn TP. Quy Nhơn.
Theo Ban Tổ chức Hội nghị thì: “Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch cùng các văn bản có liên quan”, du lịch là hoạt động liên quan trực tiếp đến con người. Hoạt động kinh doanh du lịch là hoạt động dịch vụ phục vụ cho khách du lịch và một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng của kinh doanh dịch vụ là uy tín, chất lượng, danh tiếng nhằm tạo hình ảnh tốt trong lòng của khách du lịch.
Đây là một hoạt động có tính liên ngành, liên vùng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp thông qua các văn bản pháp quy. Trong hoạt động kinh doanh du lịch, không chỉ có các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn nhiều tổ chức và cá nhân khác trong xã hội cũng tham gia vào việc này; chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, đảm bảo uy tín chất lượng, hình ảnh du lịch của đất nước, của địa phương, đòi hỏi pháp luật có những quy định, chế tài để quản lý và việc chấp hành luật pháp trong hoạt động kinh doanh không những đem lại uy tín cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch mà còn góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Định an toàn, thân thiện và hấp dẫn, từng bước khẳng định vị thế du lịch Quy Nhơn- Bình Ðịnh trên bản đồ du lịch Việt Nam
Đại uý Phạm Hồng Vi giới thiệu về Luật PC&CC. Ảnh: V.H
Vì vậy, mục đích của Hội nghị là nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch và các quy định khác có liên quan với mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, nhằm làm chuyển biến về nhận thức và hành động của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật khi hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch, nhất là các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch……; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo quyền, nghĩa vụ chính đáng của tổ chức, người kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh du lịch minh bạch, công bằng…
Theo đó, tại Hội nghị, các đại biểu là đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Định, Phòng Văn hoá – Thông tin TP. Quy Nhơn, UBND các phường của TP. Quy Nhơn; cùng các tổ chức, cá nhân, đại diện doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, khu du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm, hướng dẫn viên du lịch đã được các chuyên gia của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Định và Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Bình Định truyền đạt, phổ biến những nội dung chủ yếu về an ninh trật tự, PCCC và các quy định khách có liên quan; phổ biến quy định Luật Du lịch, Nghị định 45/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch”….
Cụ thể, với báo cáo “Các quy định về an ninh trật tự, PCCC và các quy định khách có liên quan”, Đại uỷ Phạm Hồng Vi đã giới thiệu về Luật PC&CC, trong đó có những nội dung chủ yếu, như: Nguyên tắc PC&CC; Các hành vi bị nghiêm cấm; Biện pháp cơ bản trong phòng cháy; Thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về PC&CC; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình; Phòng cháy đối với cơ sở; Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, hộ gia đình và cá nhân không đảm bảo an toàn về PC&CC; Biện pháp cơ bản trong chữa cháy; Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; Thông tin báo cháy và chữa cháy; trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy…
Đối với Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các đại biểu đã được nghe ông Lê Mạnh Phi phổ biến những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có những nội dung quan trọng, như: Hành vi vi phạm hành chính; Hình thức xử phạt; Mức xử phạt; Biện pháp khắc phục hậu quả; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính…
Ông Lê Mạnh Phi phổ biến về Nghị định số 45/2019/NĐ-CP. Ảnh: V.H
Cụ thể, đó là các vấn đề: Vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch; Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành; Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch; Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành; Vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; Vi phạm quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch…
Ngoài ra, thông qua Hội nghị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn được trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc về các quy định của pháp luật và kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ kinh doanh dịch vụ du lịch…
Nguồn tin: Viết Hiền - thuonghieucongluan.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn