Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam
– Ngành du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề những ngày qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với khủng hoảng, ông nhận định thế nào về tình hình hiện nay?
Trước đây khi dịch SARS, MERS xuất hiện, điều may mắn là chúng ta có thông tin kịp thời để khống chế ổ dịch ngay từ đầu nên hạn chế tối đa khả năng lây lan và giảm thiểu được thiệt hại. Lần này, do thông tin về dịch Covid-19 công bố hơi chậm nên khi bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề trên tâm lý cộng đồng dẫn đến tình trạng “đóng cửa cục bộ” ở một số quốc gia, kỳ thị, quá e ngại với thị trường nói tiếng Hoa, gây căng thẳng thêm cho du khách đến từ quốc gia này và tạo một hình ảnh xấu về ngành du lịch. Thậm chí nhiều nước đã ứng xử khắt khe khi từ chối cho du thuyền cập cảng; tạo cho du khách cảm giác bị “ruồng bỏ”, phân biệt đối xử… Đó là những điều tối kỵ với ngành du lịch, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhìn chung Covid- 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch những ngày qua, nhưng công tác kiểm soát, phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế rất tốt, mạnh mẽ, quyết liệt. Riêng với ngành du lịch, do chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó từ nhiều năm trước nên lần này cũng không quá lúng túng, các doanh nghiệp cũng không quá bi quan trước khủng hoảng mà linh hoạt ứng phó, tìm nhiều giải pháp tích cực để tự cứu mình trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng.
Kinh nghiệm của tôi qua nhiều năm ứng phó với dịch bệnh là chúng ta phải hết sức bình tĩnh để tìm lối thoát tích cực. Thật ra tình hình không phải là quá bi đát vì hiện nay nhiều nước đã cùng chung tay hỗ trợ nghiên cứu, tìm ra vaccine phòng ngừa và bước đầu đã có những kết quả đáng phấn khởi. Với ngành du lịch, tôi luôn tin rằng trong rủi ro, khủng hoảng chúng ta sẽ tìm ra nhiều cơ hội mới cho mình.
Điều tôi lưu tâm là quy luật của thế kỷ 21 này sẽ buộc chúng ta phải đối đầu với một kiểu “chiến tranh” mới:
dịch bệnh và môi trường do chính từ cách “ăn ở”, thái độ của chúng ta với môi trường. Đây cũng là bài học cho các quốc gia vì đất nước nào có quy trình giải quyết dịch bệnh tốt thì sẽ giảm thiểu tối đa hậu quả.
Đông đảo du khách Việt ở Phú Quốc
– Ông vừa nhắc đến ý tưởng tích cực: “trong rủi ro sẽ có cơ hội”. Vậy ngành du lịch cần làm gì để tạo cơ hội cho mình sau rủi ro, khủng hoảng này, thưa ông?
Tôi nghĩ khi chấm dứt dịch bệnh, nhu cầu du lịch trong người dân sau thời gian bị dồn nén sẽ “bùng nổ” trở lại, giống như quy luật của lò xo. Người người, nhà nhà sẽ xách vali lên đường du lịch, đông hơn, dài ngày hơn. Nhu cầu về du lịch, ẩm thực, mua sắm… sẽ tăng lên chóng mặt để bù lại những ngày “buộc bụng” vừa qua. Đó chẳng phải là cơ hội rất tốt cho ngành du lịch hay sao? Vì thế chúng ta nên tranh thủ giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh hiện nay để cải tổ mạnh mẽ những bất cập của ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm mới chất lượng… vì bản thân ngành du lịch luôn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo, liên tục xây dựng sản phẩm mới. Nếu chuẩn bị tốt từ giai đoạn này chúng ta vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt về cả lượng khách lẫn lợi nhuận.
Khách du lịch tham quan Hội An
– Ông có thể nêu cụ thể những việc “cần làm ngay” trong giai đoạn này?
Theo tôi, việc đầu tiên, chúng ta phải tăng cường gíáo dục nhân viên ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho con người từ khách đến nhân viên, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm… không chỉ trong giai đoạn này mà bất cứ thời điểm nào. Cần đào tạo chuyên sâu cho nhân viên những kiến thức, các quy trình, kỹ năng xử lý dịch bệnh, thái độ ứng xử phục vụ khách đúng mực. Nếu trước đây chúng ta luôn nở nụ cười trên môi khi đón khách thì bây giờ dù phải đeo khẩu trang chúng ta vẫn “cười bằng mắt” với khách.
Ngoài ra để nắm bắt cơ hội mới, ngành du lịch phải tranh thủ nhìn lại hoạt động kinh doanh, định hướng thị trường; không nên chọn thị trường dễ dãi mà phải chủ động chuyển dịch sang các thị trường mới. Trong đó phải kể đến những thị trường nhiều tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh như Ấn Độ với mức tăng trưởng khoảng 27% trong năm 2019. Bên cạnh đó là khách đến từ khu vực Trung Đông, Úc, Bắc Mỹ... Tuy nhiên, để mở cửa đón các đối tượng khách mới này, chúng ta phải chuẩn bị thêm nhiều thứ như nhà hàng, món ăn, cửa hàng chuyên biệt, thậm chí cả cung cách phục vụ tại địa điểm du lịch, các cơ sở lưu trú...
Ngay sau khi dịch được khống chế, ngành du lịch Việt Nam nên tổ chức các đoàn xúc tiến đến những thị trường tiềm năng, tổ chức các chương trình kích cầu dành cho những thị trường du lịch hàng đầu gửi khách đến Việt Nam.
Tôi đặc biệt hoan nghênh tinh thần của Hiệp hội Du lịch TP. HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi ngay giữa “tâm bão” vẫn mạnh dạn công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020 để không vuột mất thời cơ!
Xin cám ơn ông về những chia sẻ hết sức bổ ích.