Khám phá ngôi làng ven biển đẹp 'đến từng centimet' ở Bình Định

Thứ ba - 30/07/2024 16:42
Những con đường khúc khuỷu, những con hẻm nhỏ bao quanh từng nếp nhà ba gian từ những năm 70-80, những bức tường bích hoạ đa sắc màu, những nụ cười hiền hoà, thân thiện của người dân làng chài Nhơn Lý (Bình Định)… khiến người ta có cảm giác vừa bình dị, thư thái vừa có cảm giác mới lạ nhưng lại mang chút gì đó hoài cổ về những thời xưa cũ.

Dạo quanh những con hẻm uốn lượn

Đến Bình Định trong những ngày tháng bảy, nắng gió vùng biển như “thiêu đốt” khiến chúng tôi có phần chùn bước, thế nhưng sau khoảng 30 phút di chuyển từ trung tâm TP Quy Nhơn tới xã Nhơn Lý, đứng bên ngoài cổng chào, hướng tầm mắt ra xa, bao quát toàn bộ khung cảnh, làng chài nhỏ được bao phủ bởi một màu xanh mênh mông, bát ngát của biển cả tạo nên một khung cảnh vô cùng yên bình, thơ mộng khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng.

Làng chài Nhơn Lý là một làng chài ven biển thuộc xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - nơi đây từng là một làng chài nghèo, ít người biết đến với diện tích khoảng 1,4 ha, trong đó đa phần là những đồi núi trập trùng và cát trắng bao phủ. Thế nhưng nhờ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hoàn mỹ, ngày nay làng chài trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách mỗi khi ghé thăm Bình Định.
 

a5 1175
Những con đường dốc đặc trưng ở làng chài Nhơn Lý.
60b0fd06f6e853b60af9
Tại Nhơn Lý, bạn sẽ không thể bắt gặp được hình ảnh con đường trải nhựa bằng phẳng thay vào đó là những con đường quanh co, uốn lượn lên dốc, xuống dốc ôm trọn địa hình vùng ven biển miền Trung.
Ông Dần (61 tuổi) - người dân sinh sống tại làng chài cho biết, những con đường khúc khuỷu này được người dân xây dựng lên nhằm hạn chế sức gió từ biển và để tạo ra bóng râm nhằm chống cái nóng oi ả của đất trời.
22c701710a9fafc1f68e
Nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi nét bình dị, mộc mạc của làng chài Nhơn Lý.

Dạo quanh làng chài mới thấy, địa hình nơi đây thật sự rất đặc biệt, đi từ chân làng leo lên đỉnh dốc rồi lại vòng xuống, đôi khi đang đi bên hiên nhà này nhưng trên đầu lại là khoảng sân của nhà khác.

Đi quanh những khúc cua trong các con hẻm vừa đủ để xe máy, người đi bộ có thể tránh nhau là những bức tường đầy màu sắc, sống động với đủ các chủ đề từ hoa lá, cây cỏ, chim chóc cho đến những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của người dân làng biển…
 

a6 6327
Những giàn hoa giấy đỏ rực trong những con hẻm nhỏ là nét đặc trưng của làng chài.
a2 4291
Những bức tường bích hoạ được tô điểm tạo thành điểm nhấn thu hút du khách mỗi dịp ghé thăm làng chài.
e9af440f4fe1eabfb3f0
Mỗi bức tranh lại mang một sắc màu, một chủ đề riêng khiến du khách thích thú.
Cảnh biển bình yên với màu nước xanh trong kéo dài tận chân trời cùng những con thuyền nhỏ neo đậu ngay cửa biển hay những con thuyền nhấp nhô xa bờ là những hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở làng chài Nhơn Lý. Mặc dù làm ngư nghiệp, nhưng làng chài lại không hề có mùi tanh của cá, rất sạch sẽ.
93a4e312e8fc4da214ed
Những người mẹ, người vợ chờ chồng, chờ con ra khơi đánh cá trở về lại ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện thường nhật.
Những quán cơm dành cho dân chài nằm sâu mãi trong các ngõ, ngách nhỏ tạo nên không gian vừa lạ vừa quen! Quen bởi có nhiều ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của làng quê Việt Nam từ những năm 70-80, với khoảng sân rộng và phía trước nhà là những giàn hoa giấy, những ô cửa sổ màu xanh lá cây vừa mang vẻ đẹp bình dị, vừa khiến con người ta có chút gì đó gợi nhớ về thời xưa cũ.
85258e66828827d67e99
Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 80 mang kiến trúc nhà truyền thống của làng quê Việt Nam tại miền Biển.
Gắn bó đã gần 70 năm tại mảnh đất này, ông Thuận cho biết, ngôi nhà của ông là một ngôi nhà nhỏ, nằm ở lưng chừng dốc. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1989, với kiến trúc cổ điển ở làng biển, ngôi nhà ba gian, diện tích khá khiêm tốn nhưng đủ để gia đình cụ sinh hoạt, gắn bó suốt 3 thế hệ nơi đây. Từ cửa chính của ngôi nhà khi mở cửa ra sẽ hướng trọn vẹn “view” biển.
11e04b70409ee5c0bc8f
Nhiều bạn trẻ thích thú, check-in tại các ngôi nhà cổ này.
Ông bảo, khi đến thăm làng chài phải đến khu giếng cổ, đã có tuổi đời gần 200 năm. Đây từng là nơi cung cấp nước cho cả làng dùng. “Dù khô hạn thế nào thì nước cũng có quanh năm đủ dùng cho tất cả mọi người. Thế nhưng bây giờ, khi điều kiện kinh tế khấm khá hơn, người dân cũng ít sử dụng nguồn nước tại giếng nước này. Hiện giếng nước đã được tôn tạo lại để cho du khách tới thăm quan, nguồn nước rất trong và mát…” - ông Thuận hào hứng giới thiệu thêm cho chúng tôi về những điều thú vị tại làng chài.
a605f64ffaa15fff06b0
Hương Giang (Hà Nội) chọn điểm đến làng chài Nhơn Lý trong chuyến du lịch cùng bạn bè.
Trong chuyến du lịch cùng với bạn bè tới làng chài Nhơn Lý, Hương Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tới đây du lịch đã được một ngày, lựa chọn Nhơn Lý - Quy Nhơn là điểm đến vì tôi muốn trải nghiệm thử cuộc sống thực sự của bà con làng chài nơi đây. Nơi đây thực sự rất tuyệt”.
fba104f70819ad47f408
Hương Giang thích những con đường bích hoạ, những con dốc nhỏ dẫn lối đi len lỏi giữa các ngôi nhà ba gian của người dân rồi hướng ra cửa biển. Giang bảo, trong một thời gian không xa, Giang sẽ còn quay trở lại.

Tới Nhơn Lý cách đây đã 8 năm, lần này quay trở lại, anh Bùi Đức Hợp (Ba Đình, Hà Nội) vô cùng ngạc nhiên vì sự thay đổi của làng chài. “Nhiều ngôi nhà được xây dựng lại khang trang hơn, xen kẽ với những ngôi nhà truyền thống cũ, nhiều nhà hàng khách sạn, quán ăn, homestay mọc lên, dịch vụ du lịch tốt hơn… Cảnh vật và con người thì vẫn hiền hoà như xưa. Đến đây, tôi cảm thấy như được “chữa lành” bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, của gió biển, con người nơi đây” - anh Hợp chia sẻ.

Lắng nghe tâm tình người miền Biển

Dưới cái nắng nhạt dần khi hoàng hôn dần buông xuống trên mặt biển cạnh làng chài, lão ngư dân Nguyễn Minh Tấn (64 tuổi, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý) kể câu chuyện đã nhiều hơn 3 thế hệ gia đình ông sinh sống tại mảnh đất này.

Ông bảo, chẳng ai biết tuổi của làng chài Nhơn Lý là bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng, từ khi có biển làng chài này cứ thế sinh sôi, lớn dần lên. Hầu hết người dân ở đây đều sinh ra từ làng và lớn lên cũng bám trụ với nghề biển làm kế sinh nhai.
 

614aece3e70d42531b1c
Những chiếc tàu và thuyền thúng neo đậu tại cửa biển.

Trong ký ức của ông, những hình ảnh gắn chặt với tuổi thơ của mình cho mãi tới tận bây giờ đều là những lớp người nối tiếp nhau ra khơi: “Người giàu thì gắn cuộc sống với con tàu lớn, còn người nghèo thì vui cười với những chiếc thuyền thúng nhỏ”.

Ngày ngày chào tạm biệt cha từ sáng sớm và đón cha khi trời đã về đêm, có những khi cha đi biền biệt cả tuần mới về, thế nhưng mỗi lần nhìn thấy hình bóng cha, niềm vui trong ông lại ngập tràn bởi những mẻ tôm, cá đầy ắp báo hiệu cho những bữa cơm no đủ của cả gia đình trong thời gian dài sau đó.
 

8f3960986b76ce289767
Ông Tấn tâm sự, giờ đây, nối nghiệp cha, 2 người con của ông lại tiếp tục cuộc hành trình “chinh phục biển khơi”.

Lên 5 tuổi, ông được theo cha ra biển, phụ giúp cha đánh bắt. Cứ thế… “cha truyền con nối”, tới khi ông nghỉ làm biển, giao lại tàu cho 2 người con trai.

Ngày ngày cứ 5h sáng, 2 người con trai của ông lại cùng các ngư dân khác ở địa phương cho tàu chạy ra cách bờ khoảng 2 - 3 hải lý giăng lưới, đến 16h chiều lại quay vào bờ. Sau mỗi chuyến đánh bắt, các ngư dân lại đổ hàng ra cảng cá cho các thương lái tới lấy buôn. Từ đó, hải sản mới lan toả đi khắp các chợ đô thị, thâm nhập vào trong đất liền. Những chuyến đi biển bội thu, đem về cho gia đình ông cả trăm triệu đồng. Chuyến nào kém nhất cũng được chục triệu đồng “dắt túi”.

Theo ông Tấn, ngư dân làng chài Nhơn Lý hàng năm cứ đến tháng 8 - 9 âm lịch, người dân lại chuẩn bị tu bổ thuyền chài, lưới đánh cá và các dụng cụ đánh bắt khác để chuẩn bị cho những chuyến đi vào mùa biển động.
 

fcc5b85cb3b216ec4fa3
Quang cảnh các thương lái tới mua buôn các mẻ cá, tôm của ngư dân sau chuyến đi biển tại cảng cá Nhơn Lý.

Những năm gần đây khi du lịch bắt đầu phát triển, một bộ phận thanh niên của làng đã rời bỏ nghề biển để chuyển sang làm nghề dịch vụ trên bờ. Anh Nguyễn Trí - chủ một homestay nằm ngay sát bãi biển cho biết, sau năm 2016, nhiều hộ gia đình ở Nhơn Lý đã chuyển từ đánh bắt hải sản sang làm kinh doanh du lịch, từ đầu tư ca-nô chở khách, mua sắm xe điện, mở nhà hàng, quán ăn, các công ty du lịch khám phá cũng mọc lên rất nhiều. Du khách tới đây cũng ngày một nhiều hơn, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại làng chài, hơn 2 năm về trước anh đã chuyển sang làm du lịch và không theo nghiệp đánh bắt của gia đình.

Từ những bước đầu tự tìm hiểu, mày mò cách làm du lịch, anh hướng tới việc phát triển du lịch theo hướng bền vững dựa vào nền tảng văn hoá địa phương, hướng đến mục tiêu giữ khách ở lại, trải nghiệm văn hoá, cuộc sống bản địa… Hiện nay, anh đã có một homestay cho khách du lịch nghỉ dưỡng mang tên mình, kết hợp với việc phát triển các tour du lịch quanh Bình Định như: Kỳ Co - Eo Gió, Hòn Sẹo…
 

e59885c689282c767539
Du khách trải nghiệm câu cá tại Hòn Sẹo

Theo anh Trí, thời điểm này, du khách đến đây có thể câu cá, câu mực đêm… Sáng sớm thì có thể tới cảng cá xem người dân trao đổi, buôn bán hải sản, rồi có thể tự mua hải sản tươi sống về chế biến. Hay tới thăm quan và checkin tại Tịnh xá Ngọc Hoà - nơi có tượng phật quan âm 2 thân cao nhất Việt Nam hiện nay. Hoặc, cùng dạo quanh các con hẻm nhỏ, checkin với các bức tường bích hoạ đa sắc màu, thể hiện đa dạng đời sống của ngư dân miền biển; lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào, hoà mình vào cuộc sống giản dị nhưng ấm áp của người dân địa phương và để lại sau lưng mọi lo toan của cuộc sống hiện đại.

“Mọi thứ như một giấc mơ vậy, cách đây chục năm về trước không ai nghĩ rằng làng chài Nhơn Lý nghèo khó, chỉ có nắng, gió và cát lại có thể “thay da đổi thịt” như hôm nay. Cứ mỗi dịp hè tới, đặc biệt vào cuối tuần, khách du lịch từ mọi miền nhất là các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên tới rất đông homestay của tôi luôn kín phòng...” - anh Trí chia sẻ.

Rời làng chài, di chuyển về phía trung tâm TP, tiếp tục cuộc hành trình khám phá vùng đất Bình Định, Nhơn Lý để lại trong tôi một cảm giác rất khó tả. Những nét đặc sắc của văn hoá biển nơi đây sẽ trở thành vốn quý để du khách khám phá và trải nghiệm. Một ngày không xa, tôi tin rằng làng chài Nhơn Lý sẽ thu hút rất đông du khách, góp phần đưa Bình Định trở thành một trong những trung tâm văn hoá biển miền Trung Việt Nam.

 
 
 

Nguồn tin: Thanh Hà - Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây