Du khách tham quan, vui chơi tại Khu du lịch sinh thái Hầm Hô - Tây Sơn.
* Cơ sở nào để tỉnh bổ sung dịch vụ vé tham quan (vé vào cổng) các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn tỉnh vào diện bắt buộc đăng ký, kê khai giá, thưa bà?- Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công trình, dự án quy mô, tạo điểm nhấn lôi cuốn ngày càng nhiều khách du lịch đến địa phương tham quan và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, cùng người dân trong tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện khâu tổ chức, thực hiện, đảm bảo giá cả phù hợp, không xảy ra tình trạng “chặt chém” và “loạn” giá tại các điểm du lịch, vui chơi, ăn uống.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhất là dịp lễ, tết, tại một số khu du lịch, giá vé tham quan không rõ ràng, minh bạch, đã gây thắc mắc, hoài nghi và không hài lòng cho người dân lẫn khách du lịch. Để có sự minh bạch, công khai, không để ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đưa giá vé tham quan các điểm, khu du lịch vào danh mục kê khai giá để quản lý.
* Nhưng dịch vụ này lại không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bắt buộc kê khai giá theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá?- Hiện nay, ngoài danh mục kê khai giá của Trung ương quy định, theo từng thời điểm, để tăng cường công tác quản lý giá, UBND tỉnh có quyết định bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào danh mục kê khai giá ở địa phương. Đây là một động thái cần thiết của tỉnh được quy định để tăng cường công tác quản lý giá đối với các mặt hàng sản phẩm, dịch vụ.
Thời quan qua, các mặt hàng đá xay nghiền, cát xây, cát tô, dịch vụ lưu trú du lịch… đã được UBND tỉnh bổ sung vào danh mục địa phương quản lý giá.
* Vậy, các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện quy định này như thế nào?- Sau khi UBND tỉnh thống nhất về chủ trương cho thực hiện bổ sung giá vé tham quan vào danh mục kê khai giá, Sở Tài chính đã rà soát, tổng hợp danh sách các tổ chức, DN kinh doanh dịch vụ này để trình UBND tỉnh ra thông báo các đơn vị thuộc diện kê khai giá vé tham quan du lịch.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính sẽ hướng dẫn và phối hợp Sở TT&TT tổ chức tập huấn triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các tổ chức, DN kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn tỉnh, nhằm hướng đến môi trường minh bạch, công khai, bình đẳng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính giữa DN với cơ quan nhà nước.
* Như bà vừa nói, dịch vụ lưu trú du lịch cũng đã được đưa vào quản lý giá, vậy kết quả đến thời điểm này như thế nào?- Năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung dịch vụ lưu trú vào danh mục thực hiện kê khai giá, nhằm quản lý giá cả dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả, hạn chế việc tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính của các tổ chức, DN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 165 tổ chức, DN kinh doanh dịch vụ lưu trú và cơ bản các đơn vị đều thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính. Dù vậy, vẫn còn một số ít tổ chức, DN chưa thực hiện kê khai theo quy định. Chúng tôi đã có công văn yêu cầu các tổ chức, DN khẩn trương thực hiện kê khai giá, tránh vi phạm phải xử lý theo quy định Nghị định 49/2016/NĐ-CP. Đồng thời, phối hợp Sở Du lịch thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định trong thời gian tới.
Mặt khác, dịch vụ lưu trú là loại hình kinh doanh mới đưa vào danh mục kê khai giá và quy định phân cấp cho UBND cấp huyện, nên việc triển khai gặp không ít khó khăn, lúng túng. UBND các huyện đang tiến hành chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn và thông báo đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ; đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành.
* Xin cảm ơn bà!