Ngay cả tôi, một người con quê hương Bình Định còn chưa đi hết những nơi đẹp đẽ trong tỉnh mình. Và ở bài viết tổng hợp này, tôi xin được giới thiệu một vài điểm đến mới lạ nhưng không kém phần thanh bình, đặc biệt đến với các bạn.
1. Chùa Thiên Hưng, quốc lộ 1A, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, huyện An Nhơn
Nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 23 km về phía Bắc, chùa Thiên Hưng được nhiều người ưu ái gọi là “Phượng Hoàng cổ trấn” phiên bản Bình Định. Ngôi chùa nằm giữa khu đất rộng, xung quanh là cảnh làng mạc, đồng ruộng mát rượi, còn bên trong thì cây cỏ, thiên nhiên được vun trồng và tôn tạo, khiến cho không gian trở nên êm đềm và mượt mà, dẫu rằng, chùa có rất nhiều du khách xa gần tấp nập đến chiêm bái. Ngôi chùa này có nhiều điểm đặc biệt, chẳng hạn ở thiết kế mang kiến trúc Đài Loan, đậm chất Á Đông, ở ô cửa tròn, mái ngói xanh cong cong, hồ cá, tiểu cảnh…
2. Tiểu chủng viện Lòng Sông (nhà thờ Làng Sông), xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước
Một nơi thanh bình và rộng rãi nằm cách thành phố Quy Nhơn chừng 15 km về hướng Bắc, đây cũng chính là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ.
Nhà thờ có vẻ ngoài cổ kính và nên thơ, đậm chất kiến trúc Gothic châu Âu với những đường nét kiểu vòm nhọn và nhiều cửa sổ. Trưa nắng mà được ngồi dưới những hàng cây sao cổ thụ trong khuôn viên nhà thờ, đón gió mát rười rượi từ cánh đồng thổi vào, thì không còn gì thích thú bằng.
3. Quần thể tâm linh Phật pháp Linh Phong, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát
Nằm trên cung đường ven biển (tỉnh lộ ĐT 640), cách Quy Nhơn độ 20 km, quần thể công trình Tâm linh Phật pháp Linh Phong kề bên chùa Linh Phong (chùa Ông Núi) nổi tiếng với tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á hiện nay. Với chiều cao 69 m, đường kính chân tượng 52 m, từ xa bạn đã có thể thấy tượng Phật trắng nổi lên trên nền trời xanh.
4. Gành đá Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn
Cách Quy Nhơn tầm 60 km về hướng Bắc, gành đá Lộ Diêu hấp dẫn và quyến rũ ở bãi cát vàng cong cong, biển xanh ngắt, cùng những khối đá đủ hình thù được mài mòn qua quá trình vận động của trái đất mà thành. Đặc biệt, nếu đến đây vào độ tháng 2, tháng 3 dương lịch, bạn sẽ thấy rêu xanh phủ kín các tảng đá, khiến cho bức tranh thiên nhiên thêm hoàn mỹ. Một điều đáng tiếc là nơi đây chỉ thu hút du khách tại địa phương, bởi đường đi xa xôi cách trở, cùng ý thức kém trong việc bảo vệ môi trường sống.
5. Đầm Trà Ổ (đầm Châu Trúc, Bàu Bàng) thuộc các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ
Cách trung tâm thị trấn Bình Dương, quốc lộ 1A, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chừng 5 km, đi theo con đường nhỏ, bạn sẽ đến được với đầm nước lợ Trà Ổ mênh mông. Trước đây, nước trong đầm khá mặn do nằm gần cửa biển. Còn ngày nay, nước ngày càng ngọt dần. Nơi đây không chỉ thu hút người yêu thích nhiếp ảnh bởi cảnh quan nên thơ của mặt hồ tĩnh lặng, thuyền neo đậu êm ả, những rặng núi xanh tím xa mờ, cánh đồng ruộng mênh mông, mà còn là nơi thu hoạch các loại cá chình, tôm tươi để làm nên món bún tôm hấp dẫn.
Lưu ý là bạn nên đến đây từ lúc sáng sớm để “săn” cảnh mặt trời mọc. Khi ấy, bức tranh thiên nhiên sẽ trở nên tuyệt đẹp hơn bao giờ hết.
Và Bình Định miền đất võ quê tôi còn rất nhiều, rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà tôi chưa được đi hết. Nếu có thời gian và cơ hội, tôi sẽ đi, sẽ chụp ảnh, và sẽ kể lại, viết lại, chia sẻ thêm với các bạn. Một nhắn nhủ nho nhỏ, nếu các bạn về quê tôi, hay bất cứ nơi nào trên trái đất này, hãy góp chút công sức của mình trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức gìn giữ trái đất này luôn xanh – sạch – đẹp.
*** Bài viết có tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn trên Internet.