Ngày 10/10, Sở Du lịch Bình Định phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (HaNoi Tourism) tổ chức Hội nghị “Liên kết, hợp tác phát triển du lịch” nhằm liên kết mở rộng một số tuyến du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bình Định đang là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và quốc tế. Tạp chí du lịch Anh Rough Guides bình chọn địa phương này là “điểm đến hàng đầu Đông Nam Á”; tạp chí Traveller - Australia đánh giá Quy Nhơn - Bình Định là điểm du lịch biển sang trọng, hấp dẫn mà không đông đúc, nơi sẽ mang lại sự rung cảm đích thực về một thành phố nhỏ cùng bãi biển đẹp hứa hẹn trở thành một điểm đến lớn về du lịch biển của Việt Nam…
Ngày mới ở phố biển Quy Nhơn.
Bình minh ở thắng cảnh Eo Gió.
Trong 9 tháng đầu năm, ngành Du lịch Bình Định đã tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện hấp dẫn để chào đón mùa hè, mùa du lịch cao điểm. Nổi bật như: Khai mạc Lễ hội du lịch Bình Định năm 2023 “Quy Nhơn - Thiên đường biển - Rực rỡ Sắc màu”; Lễ hội khinh khí cầu; giải chạy VnExpress Marathon, Lễ hội Diều, vòng Chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 (Miss World Vietnam 2023); Lễ hội đường phố Quy Nhơn - Bình Định năm 2023; Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII năm 2023; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Du lịch Bình Định rực rỡ sắc màu”; Triển lãm sinh vật cảnh miền Trung – Tây Nguyên mở rộng năm 2023.
9 tháng đầu năm, Bình Định đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu đạt được 14.528 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, mong muốn các doanh nghiệp du lịch Bình Định và HaNoi Tourism) cùng tăng cường phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng hiệu quả. Ngành đặt mục tiêu tạo nhiều sản phẩm và phát triển, khác biệt hóa sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Định mang chiều sâu văn hóa đặc sắc riêng, có chất lượng và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Liên tục ba ngày qua, đoàn chuyên gia của HaNoi Tourism đã có chuyến khảo sát: Tháp Bánh Ít, Bảo tàng Quang Trung, Khu du lịch Hầm Hô Rosa Alba, Võ đường Phan Thọ, nhà hát nghệ thuật truyền thống, chùa Long Phước, Nhà thờ Làng Sông, Tháp Đôi, Ghềnh Ráng Tiên Sa, Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn...
Nhiều làng chài thơ mộng dọc theo tuyến quốc lộ 1D, TP Quy Nhơn.
Ghi nhận sau chuyến khảo sát, ông Phùng Hữu Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT HaNoi Tourism, chia sẻ Bình Định không chỉ có thiên đường biển đảo mà còn có kho tàng tài nguyên văn hóa hiếm nơi nào có được
Du khách đến vùng đất này có thể vừa trải nghiệm khám phá không gian khoa học vừa tham gia luyện tập tại các võ đường để rèn luyện sức khỏe. Ngành Du lịch Bình Định có thể đặt “Sologan” cho từng khu du lịch, chẳng hạn như: Về miền di sản hào khí Tây Sơn, Tour khám phá đô thị Nước Mặn - Chủng viện Làng Sông, “Cái nôi” của chữ quốc ngữ…
Chủng viện Làng Sông, “Cái nôi” của chữ quốc ngữ… ở huyện Tuy Phước (Bình Định).
Du khách chèo thuyền Sup khám phá Khu du lịch sinh thái Cồn Chim, huyện Tuy Phước.
Du khách vui chơi ở bãi tắm Kỳ Co.
“Thời gian tới, Bình Định cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực từ cán bộ quản lý đến nguồn lực kế cận; xúc tiến, quảng bá thị trường xứng tầm…Tôi tin, ngành du lịch địa phương này sẽ nâng lên tầm cao mới trong bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Anh nói.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HaNoi Tourism phát biểu tại Hội nghị.
Trong khi đó, tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HaNoi Tourism, cho hay Bình Định hội tủ đầy đủ các yếu tố để hình thành nên “miền đất Võ, trời Văn”. Do vậy, địa phương cần tổ chức Festival về miền đất Võ, trời Văn xứng tầm quốc gia, tạo sản phẩm du lịch khác biệt để hấp dẫn du khách.
Bên cạnh lợi thế về du lịch biển với cảnh quan, khí hậu và các dịch vụ phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng biển tại Quy Nhơn, Bình Định còn có tài nguyên văn hóa đặc sắc và mang những giá trị bản sắc riêng. Trong số này nổi bật là giá trị lịch sử văn hóa gắn với Hào Khí Tây Sơn, Võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định, trò chơi văn hóa dân gian gà chọi, hệ thống di sản tháp Chăm, nghệ thuật sân khấu Tuồng nổi tiếng, Nghệ thuật bài chòi - loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian - di sản phi vật thể của nhân loại…
Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định bên tháp Bánh Ít. Ảnh: Nguyễn Phước Hoài.
Ngoài ra, Bình Định còn được biết đến với các giá trị về ẩm thực phong phú và đặc sắc, công trình phục vụ nghiên cứu khoa học hiện đại bậc nhất cả nước…
Để du lịch Bình Định phát triển xứng tầm thời gian tới, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty HaNoi Tourism, đề xuất địa phương cần định vị và đóng gói sản phẩm du lịch văn hóa, để du lịch văn hóa hình thành rõ ràng hơn, trở thành một trục sản phẩm nổi bật bên cạnh các sản phẩm du lịch biển đảo đã sẵn có. Bản thân các sản phẩm du lịch biển đảo cũng cần làm mới và chuẩn hóa để hấp dẫn hơn, chuyên nghiệp hơn, tạo sự khác biệt của riêng Bình Định, tăng sức hấp dẫn so với các địa phương có lợi thế tương tự.
Cơ quan chức năng cần tập huấn thực tế cho các nhân lực phục vụ trực tiếp trong du lịch , đặc biệt là các nhân lực trực tiếp tham gia vào vận hành và cung ứng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng… Tổ chức quảng bá du lịch Bình Định có chiều sâu, bài bản và kết hợp yếu tố văn hóa với thể thao, du lịch một cách hiệu quả; làm mới các sự kiện quảng bá, xúc tiến, kết nối đúng đối tượng và thị trường khách mục tiêu, tạo hiệu quả kinh tế. Tư vấn và phát triển du lịch cho từng địa phương cụ thể với từng mục tiêu khác biệt bởi mỗi địa phương sẽ có một điểm nhấn đặc thù.
Nguồn tin: Minh Thu – Tạp chí Du lịch Tp.Hồ Chí Minh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn