Từ cảng Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định), sau hơn 10 phút ngồi ghe di chuyển về hướng Tây, có một cụm đá nổi lên giữa mênh mông nước của đầm Thị Nại, đó chính là tháp Thầy Bói.
Miêu tả về địa điểm này, sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Đầm biển cạn (Thị Nại) ở phía Đông huyện Tuy Phước, chu vi 9.500 trượng, nước đầm đổ vào cửa biển Thị Nại, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi tháp Thầy Bói”.
“Trong đầm Thi Nại ở phía Tây, gần phía Quy Nhơn, giữa mênh mông sóng nước nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói”, theo sách Nước non Bình Định – của Quách Tấn.
Ngày nay, tháp Thầy Bói thuộc thành phố Quy Nhơn, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bình Định, là chốn linh thiêng gắn với các câu chuyện truyền thuyết cổ của những người dân địa phương. Du khách đến Bình Định đều tìm về đây để tham quan và thắp nhang cầu nguyện cuộc sống bình an, công việc thuận lợi, may mắn.
Tương truyền, xưa có một ông thầy bói thấy cụm đá nổi trên đầm Thị Nại là nơi có phong thủy tốt nên đã xây tháp và hành nghề.
Ông xem rất hay nên chẳng mấy chốc tiếng tăm đồn khắp vùng, nhiều người muốn được ông xem phải chịu cực, khó khăn mà chèo thuyền ra cụm đá, xếp hàng cả ngày trời.
Khi ông mất ngôi tháp bị bỏ hoang, qua thời gian bị bão đánh sập. Để tưởng nhớ vị thầy giỏi và thờ thủy thần, người dân nơi đây đã xây một ngôi miếu thờ chắc chắn. Từ đó cụm đá được người dân gọi là tháp Thầy Bói.
Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng từ trước đến nay không có ngọn tháp nào cả. "Thầy Bói" thực ra là tên một giống chim ăn cá, miền Bắc gọi là chim Bói Cá. Giống chim này thường tụ tập nơi gành đá, khóm đá để bắt mồi. Khóm đá có dáng tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.
Không ai biết tích nào mới là đúng, cũng không ai có thể trả lời cho câu hỏi, cụm đá có tên tháp Thầy Bói xuất hiện từ khi nào, nhưng không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của tháp Thầy Bói trên đầm khiến cảnh quan nơi đây thêm phần sinh động, đặc sắc và linh thiêng.
Trong tập "Bình Định danh thắng và di tích" của bộ sách "Địa chí tỉnh Bình Định", tháp Thầy Bói được chọn đưa vào danh mục những di tích và danh thắng tiêu biểu.
Đầm Thị Nại với chiều dài khoảng 16km, tổng diện tích mặt nước hơn 5.000ha, trải dài qua địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát là đầm lớn thứ hai trong các đầm phá ở Việt Nam, nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử qua các triều đại từ Champa đến Đại Việt và đã có biết bao anh linh ở lại với cửa biển này. Cũng có biết bao ngư dân trong quá trình đánh bắt đã gặp nạn tại đây. Bởi thế, trên tháp Thầy Bói, ngoài ngôi miếu cổ đã có từ lâu đời do ngư dân lập để thờ thủy thần và tế lễ vào dịp Thanh minh, còn nhiều công trình tín ngưỡng khang trang khác được xây dựng nhằm đáp ứng đời sống tinh thần tâm linh của nhân dân địa phương.
Người dân biển nơi đây, mỗi lần ra khơi đều ghé tháp Thầy Bói, thắp một nén nhang tại miếu cổ để cầu bình an, đánh bắt thuận lợi, may mắn trên biển.
Với lòng thành và sự tôn kính đối với các vị thần, tháp Thầy Bói được cư dân quanh đầm Thị Nại trông coi và hương khói vô cùng kĩ lưỡng, chỉn chu. Vào ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng, hay dịp tết Thanh minh các cư dân thường chuẩn bị đồ ăn chay và hoa, quả đem ra tháp cúng kính.
Theo lời bà Nguyễn Thị Hải, người trong Ban quản lý trông coi tháp, trước kia, việc di chuyển ra tháp Thầy Bói gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Mấy năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, lượng ghe, thuyền hỗ trợ việc di chuyển ra tháp cũng nhiều hơn. Nhờ những tấm lòng hảo tâm nên những công trình trên tháp được xây dựng khang trang, rộng rãi hơn.
“Những người ra tháp đi lễ rất đông vào ngày mùng một đầu tháng và ngày rằm, lễ vật thường là đồ chay. Tuy theo quan niệm và cái tâm mỗi người cầu mong điều gì thì lễ vật sẽ khác nhau, dù ít hay nhiều đều không quan trọng, quan trọng tâm tính trong sạch ”, bà Hải cho biết
Tháp Thầy Bói nổi lên giữa đầm Thị Nại như nét chấm phá khiến du khách cảm giác như lọt vào một ốc đảo giữa biển trời.
Phía Bắc tháp Thầy Bói có một bãi cát rộng là nơi tụ tập nghỉ ngơi sau khi no mồi, cánh mỏi của bầy chim Nhạn nên được gọi là Bãi Nhạn.
Từ tháp Thầy Bói phóng tầm mắt ra xa là cảnh ghe thuyền ngư dân đang thả lưới, xa hơn nữa là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút mắt rợp cánh cò bay...
Tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc làm say lòng lữ khách:
“Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm
Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi”.
(Trích: Nước non Bình Định - Quách Tấn)
Nguồn tin: vtc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn