Ngày 19/2, tại Chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định), Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phước phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định long trọng tổ chức Lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị Nước Mặn.
Tiếp sau võ cổ truyền Bình Định, hát bội Bình Định và nghệ thuật bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết: Việc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Đồng thời khẳng định vai trò của lễ hội dân gian truyền thống trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng ban Quản lý chùa Bà cho biết, Lễ hội chùa Bà Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: Ngày cuối tháng Giêng âm lịch, có thể là ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ từ ngày 1 - 2/2 âm lịch.
Lễ hội là sự hòa quyện và kết nối giữa hiện tại và quá khứ, là dịp để người dân hiểu nhiều hơn về vùng đất cảng thị và vai trò của Cảng thị Nước Mặn đối với đời sống kinh tế - văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ.
Điểm đặc biệt của lễ hội này so với nhiều lễ hội trong nước là người dân địa phương thắp đèn lồng vào các ngày lễ, nhiều nhà chuẩn bị đồ ăn, thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón, chia sẻ với khách thập phương đến với Lễ hội và xem đây như cái tết quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán.
Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa. Trong số đó có lễ cầu an, lễ tế bà, lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông.
Lễ hội còn có lễ nghinh thần rước sắc - rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.
Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hội đánh bài Chòi, hát tuồng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Hằng năm, du khách đổ dồn về chùa Bà trước khi lễ hội diễn ra mấy ngày để xin lộc Bà (Thiên Hậu Thánh Mẫu). Những người đi chùa quan niệm, đến chùa Bà thứ nhất là kính lễ Bà sau là cầu cho gia đình sức khỏe bình an, công việc làm ăn thuận lợi và có một năm sung túc.
“Cứ tới mùa lễ hội là du khách, cùng người dân trong vùng tìm về chật kín từ ngoài cổng vào tới trong chùa. Bánh Ú cúng lễ Bà gần 200kg mà vẫn không đủ để chia phần lộc cho mọi người.” – ông Nguyễn Chín trưởng ban quản lý chùa Bà cho biết.
Ngày đầu tiên của lễ hội (ngày 29 hoặc ngày 30 âm lịch tùy theo tháng đủ hay thiếu) bà con, du khách đã tập hợp về đây, mỗi người phụ giúp một tay để trang hoàng, chuẩn bị cho chiều ngày hôm đó tiến hành nghi lễ nghinh thần, tập hợp về tại chùa Bà, bên cạnh miếu Thanh minh, bằng hình thức rước kiệu. Không chỉ rước các vị thần mà còn rước các cô hồn chết oan cũng được rước về đây để tiến hành làm lễ tế.
Tiếp sau võ cổ truyền Bình Định, hát bội Bình Định và nghệ thuật bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sang ngày thứ 2, lễ tế Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng Thành Hoàng làng, Quán Thánh, Bà Mụ chính thức bắt đầu. Và việc chọn người làm lễ tế cũng rất quan trọng phải là những người có uy tín trong thôn và hiểu biết nhất định về văn hóa của vùng Nước Mặn và đặc biệt những người này hoàn toàn không có tang. Điều kiêng kị này xuất phát từ quan niệm về sự thanh sạch, không mang nặng âm khí khi thực hiện những nghi thức linh thiêng.
Từ sáng, bắt đầu 7h00 của ngày thứ 2, các nhà sư Phật giáo đọc kinh cho Thiên hậu Thánh mẫu và các vị thần trong chùa Bà, nghi lễ này là để cầu mong cuộc sống sung túc, ấm no, mưa thuận, gió hòa, gặp nhiều may mắn.
Đến ngày cuối cùng của lễ hội, đây cũng là ngày diễn ra các hoạt động hội làng. Nghi thức rước Biểu trưng trên đường phố được nhiều người trong vùng hào hứng chờ đón nhất trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Nghi thức rước biểu trưng “Ngư – Tiều – Cảnh – Mục” là để tưởng nhớ công lao khai sáng của cha ông vùng biển, vùng ven biển trở thành một đô thị, một thương cảng sầm uất.
Trong đó, các biểu tượng “Ngư – Tiều – Cảnh – Mục” tượng trưng cho 4 nhóm người với các hoạt động sản xuất trên vùng đất mới mở cõi, khai hoang: Người hoạt động nghề biển, người khai thác, người bảo vệ rừng ngập mặn, người đắp bờ ruộng, người chăn nuôi gia súc.
Sau khi đã tiến hành xong nghi thức rước biểu trưng, cũng là lúc phần lễ hội đến hồi kết, tiến hành vào các trò chơi dân gian như: kéo co, đấu vật, đánh đu, chơi cù, đập ấm… về nghệ thuật thì có hát bài chòi, hát tuồng…
Chùa Bà được dựng khoảng năm 1610, thờ Bà Thiên hậu Thánh mẫu – một nhân vật thần thoại có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển. Các tàu thuyền thường đặt bàn thờ Bà đầu mũi thuyền để khấn bái phù hộ khi lênh đênh trên biển cả. Theo một sự tích kể lại,Thiên hậu Thánh mẫu tên thật Lâm Mị Châu tức Lâm Nương Nương, sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) đời vua Tống Nhân Tông, mười một tuổi đã tu theo đạo Phật. May tìm được một xấp cổ thư, Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.
Điện thờ Thiên hậu Thánh mẫu
Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nước Mặn là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào được nên cảng thị suy tàn. Do nhiều biến đổi địa chất, vị trí cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn An Hòa, Lương Quang (xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) ngày nay.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 - 1635), việc bang giao, buôn bán với nước ngoài phát triển mạnh nhằm thu hút ngoại lực để xây dựng, phát triển kinh tế. Đây cũng là thời kỳ thương nghiệp thế giới phát triển mạnh, các nước phương Tây như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý, Anh và phương Đông như: Trung Hoa, Nhật Bản vượt biển tìm kiếm thị trường Đông Nam Á. Thuyền buôn các nước đã đến các cảng thị nổi tiếng xứ Đàng Trong như: Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) và Nước Mặn (Bình Định). Do đó, cảng thị Nước Mặn phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XVII và trở thành một cảng thị phồn vinh, nổi tiếng cả xứ Đàng Trong.
Thuở phồn thịnh, Nước Mặn trở thành một biểu tượng đẹp về đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, ngoài nước đủ màu da, nhiều tiếng nói đi lại nhộn nhịp trên đường phố. Hàng hóa Đông - Tây đủ màu, đủ kiểu bày trong các cửa hiệu, ngoài quán chợ.
Nước Mặn còn là địa điểm diễn ra quá trình nghiên cứu việc La tinh hóa tiếng Việt, góp phần quan trọng vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong vòng hơn một thế kỷ nhưng văn hóa Cảng thị Nước Mặn thực sự tỏa sáng, thể hiện sự tài hoa của những cư dân trên vùng đất này, đã chắt lọc tinh túy, tạo nên dòng văn hóa đặc sắc theo dòng lịch sử.
Từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh thì Chùa Bà được khởi dựng. Buổi đầu là một ngôi miếu đơn sơ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng cảm ơn Thiên hậu Thánh mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới, đồng thời cầu mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Dần dần, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn. Từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời.
Theo một sự tích kể lại, Thiên hậu Thánh mẫu tên thật Lâm Mị Châu tức Lâm Nương Nương, sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) đời vua Tống Nhân Tông, mười một tuổi đã tu theo đạo Phật. May tìm được một xấp cổ thư, Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.
Một lần cha của bà và 2 anh trai dùng thuyền chở muối đi bán thì không may bị bão lớn đánh lật thuyền, cả 3 người đều đang vũng vẫy giữa biển, bão bùng. Trong lúc đó bà cũng đang dệt vải thì bỗng dưng bà nhắm mắt lại thi triển thần pháp, 2 hàm răng bà nghiến chặt, 2 tay đưa ra phía trước như đang níu vật gì đó rất nặng.
Mẹ của bà ở đó thấy bà có biểu hiện bất thường, vì lo sợ liền gọi nhiều lần mà bà không trả lời, thế nên mẹ của bà càng thêm sợ, tới lắc vai hô to. Bà mở mắt ra thì òa khóc trả lời: “Mẹ ơi! Cha gặp nạn lớn không qua khỏi rồi!” khi ấy mẹ của bà vì lo đã giục bà trả lời nên bà mới hé môi trả lời mẹ, nhưng khi nhìn lại thì sống dữ đã cuốn ba của bà đi mất, chỉ cứu được 2 anh trai thoát nạn.
Đúng y như rằng cách ít hôm sau 2 anh trai của bà trở về kể lại câu chuyện giống như cách bà kể mấy ngày trước.
Từ đó tin truyền ra ai ai cũng biết về bà và trước khi ra khơi đều đến vái bà cầu đề mong được bà phù hộ giúp đỡ.
Qua thời gian, các cuộc chiến tranh tàn khốc đã khiến nhiều đền miếu bị phá hủy và sau nhiều lần trùng tu nay chỉ còn Chùa Bà Nước Mặn giữ lại được phần nào nét kiến trúc ban đầu. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội Đô thị Nước Mặn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung..
Tác giả bài viết: PHẠM VIÊN - DŨNG NHÂN
Nguồn tin: vtc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn