Toàn cảnh lễ hội đua thuyền
Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi được duy trì qua hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại - nó khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong đánh giặc ngoại xâm, đồng thời thể hiện sức sống khỏe mạnh, dũng cảm đương đầu với sóng gió để mưu sinh của của ngư dân các xã ven đầm trên địa bàn huyện. Ngày nay, hội đua thuyền tôi luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng. Mặt khác, đây cũng là hoạt động tinh thần thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân biển…
Hàng nghìn người dân và du khách háo hức cổ vũ theo những nhịp chèo đầy khí thế đầu năm của các ngư dân
Các vân động viên tham dự là những ngư dân trẻ, khỏe được tuyển chọn ở 4 xã ven biển đầm Thị Nại: Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa của huyện Tuy Phước. Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn, tập luyện từ nhiều ngày trước nên các đội đã tạo nên những cuộc so tài gây cấn và sôi nổi. Mỗi xã từ 20 đến 25 vận động viên tham gia tranh tài các nội dung: đua sõng câu bơi dầm nam (cự li 1000 m), đua sõng câu bơi dầm nữ (cự li 1000m); đua thuyền tập thể nam (cự li 2000 m) và đua thuyền tập thể nữ (cự li 1000m). Trên mỗi đuờng đua, sự cổ vũ nồng nhiệt của nguời dân và du khách đã tạo không khí hào hứng và khí thế cho các vận động viên.
Các đội đã tạo nên những cuộc so tài gây cấn và sôi nổi
Người dân nơi đây đua thuyền không phải nhằm phân biệt thắng thua mà nhằm đem lại niềm vui, xóa đi bao nỗi nhọc nhằn của một năm lao động vất vả, thể hiện sức mạnh của những ngư dân vùng sông nước. Đồng thời, cầu ước một năm mưa thuận gió hòa, mọi người được bình an, no đủ. Đây cũng là điểm du xuân hấp dẫn không chỉ đối với nguời dân của huyện Tuy Phuớc, mà còn của hàng nghìn du khách đến từ nhiều địa phuơng khác trong và ngoài tỉnh.
Một số hình ảnh tại Lễ hội:
Phần thi đua sõng câu bơi dầm nữ
Phần thi đua sõng câu bơi dầm nam
Phần thi đua thuyền tập thể nữ